Hotline: 024.62511017

024.62511081

  Trang chủ   Sản phẩm   Phần mềm Dành cho nhà trường   Phần mềm Hỗ trợ học tập   Kho phần mềm   Liên hệ   Đăng nhập | Đăng ký

Tìm kiếm

School@net
 
Xem bài viết theo các chủ đề hiện có
  • Hoạt động của công ty (727 bài viết)
  • Hỗ trợ khách hàng (494 bài viết)
  • Thông tin tuyển dụng (57 bài viết)
  • Thông tin khuyến mại (81 bài viết)
  • Sản phẩm mới (218 bài viết)
  • Dành cho Giáo viên (552 bài viết)
  • Lập trình Scratch (3 bài viết)
  • Mô hình & Giải pháp (155 bài viết)
  • IQB và mô hình Ngân hàng đề kiểm tra (126 bài viết)
  • TKB và bài toán xếp Thời khóa biểu (242 bài viết)
  • Học tiếng Việt (182 bài viết)
  • Download - Archive- Update (289 bài viết)
  • Các Website hữu ích (71 bài viết)
  • Cùng Học (98 bài viết)
  • Learning Math: Tin học hỗ trợ học Toán trong nhà trường (74 bài viết)
  • School@net 15 năm (153 bài viết)
  • Mỗi ngày một phần mềm (7 bài viết)
  • Dành cho cha mẹ học sinh (123 bài viết)
  • Khám phá phần mềm (122 bài viết)
  • GeoMath: Giải pháp hỗ trợ học dạy môn Toán trong trường phổ thông (36 bài viết)
  • Phần mềm cho em (13 bài viết)
  • ĐỐ VUI - THƯ GIÃN (360 bài viết)
  • Các vấn đề giáo dục (1209 bài viết)
  • Bài học trực tuyến (1033 bài viết)
  • Hoàng Sa - Trường Sa (17 bài viết)
  • Vui học đường (276 bài viết)
  • Tin học và Toán học (220 bài viết)
  • Truyện cổ tích - Truyện thiếu nhi (181 bài viết)
  • Việt Nam - 4000 năm lịch sử (97 bài viết)
  • Xem toàn bộ bài viết (8222 bài viết)
  •  
    Đăng nhập/Đăng ký
    Bí danh
    Mật khẩu
    Mã kiểm traMã kiểm tra
    Lặp lại mã kiểm tra
    Ghi nhớ
     
    Quên mật khẩu | Đăng ký mới
    
     
    Giỏ hàng

    Xem giỏ hàng


    Giỏ hàng chưa có sản phẩm

     
    Bản đồ lưu lượng truy cập website
    Locations of visitors to this page
     
    Thành viên có mặt
    Khách: 6
    Thành viên: 0
    Tổng cộng: 6
     
    Số người truy cập
    Hiện đã có 93372925 lượt người đến thăm trang Web của chúng tôi.

    Sinh viên Việt Nam “thừa học thiếu hành”

    Ngày gửi bài: 20/08/2007
    Số lượt đọc: 3178

    Một trong những biện pháp quan trọng, theo GS, TS John Hopcroft, Trường Đại học Cornell, đó là Việt Nam nên để các trường, khoa tự quyết định chương trình đào tạo của mình, sự phân cấp sẽ giúp cải thiện chất lượng giáo dục.

    NDĐT - Hai cuộc khảo sát của các chuyên gia Mỹ cho biết, sinh viên Việt Nam có giờ học ở lớp nhiều gấp rưỡi sinh viên Mỹ nhưng không có thời gian để thực hành những gì được học, nên khả năng lĩnh hội bị hạn chế.

    Các chuyên gia từ nhiều trường đại học (ĐH) danh tiếng của Hoa Kỳ vừa tham gia Hội thảo “Các cơ hội phát triển giáo dục các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học của Việt Nam: Diễn đàn thảo luận các báo cáo của VEF về giáo dục đại học trong một số ngành học”.

    Hội thảo do Bộ GD-ĐT, Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) và Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ phối hợp tổ chức.

    Trong hai năm qua, các chuyên gia Mỹ đã tiến hành hai cuộc khảo sát về hiện trạng GD ĐH Việt Nam tại các ngành Khoa học nông nghiệp và các ngành khoa học tự nhiên như: CNTT, Kỹ thuật Điện - điện tử, Viễn thông, Vật lý tại một số trường ĐH Việt Nam.

    GD Việt Nam: càng lên cao càng yếu

    Trong cuộc họp báo sau Hội thảo, TS Ray Gamble, Giám đốc các chương trình học bổng, Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ cho rằng, ở Việt Nam, GD cấp phổ thông thì tốt nhưng càng lên cao càng yếu, nhất là ở bậc ĐH. Vì thế, theo ông, cần phải có sự cải tổ GD ĐH Việt Nam.

    Mặc dù nhìn chung, các chuyên gia giáo dục Mỹ có những ấn tượng tốt về SV Việt Nam cũng như những giảng viên mà họ có dịp tiếp xúc, nhưng điều này cũng không cải thiện được sự yếu kém của hệ thống GD ĐH Việt Nam.

    TS Lynne McNamara, Quyền Giám đốc Điều hành và Giám đốc các Chương trình của Quỹ VEF cho biết, trong quá trình tiếp xúc để lựa chọn các ứng viên được cấp học bổng VEF, bà nhận thấy các SV Việt Nam rất thông minh, đáp ứng rất tốt các yêu cầu các giáo sư ở Mỹ đặt ra. Trong quá trình học tại Mỹ, họ cạnh tranh rất tốt với các SV ở Mỹ.

    Đánh giá về giảng viên, TS Ray Gamble cho rằng các GV Việt Nam có nhiệt huyết và cống hiến nhiệt tình cho công tác giảng dạy. Nhưng đội ngũ GV ở Việt Nam quá thiếu so với nhu cầu nên họ phải lên lớp quá nhiều. Ngoài ra, theo ông, cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, cơ hội làm việc phù hợp với trình độ chuyên môn và biện pháp khuyến khích các giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn còn thiếu, cần phải phát triển thêm.

    Các chuyên gia như TS Peter Gray, Học viện Hải quân Hoa Kỳ, TS John Hopcroft, Trường Đại học Cornell, TS Isaac Silvera, Phòng Thí nghiệm Vật lý Lyman, Trường Đại học Harvard đều nhận xét rằng, chương trình đào tạo của các trường ĐH Việt Nam quá nặng nề. Trong chương trình có quá nhiều môn học bắt buộc trong khi có rất ít các môn tự chọn. Nhiều trường ĐH có đến hơn 200 tín chỉ mà SV cần phải vượt qua. Trong khi đó có thể giảm một nửa trong số này vẫn có thể bảo đảm cung cấp cho SV các kiến thức trọng tâm. Ngược lại, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho phòng thí nghiệm ở các trường ĐH lại quá lạc hậu, không được trang bị đầy đủ.

    Để tạo nên bước đột phá trong giáo dục ĐH ở Việt Nam, cần phải gắn liền giữa lý thuyết với thực hành, TS Isaac Silvera, Phòng Thí nghiệm Vật lý Lyman, Trường Đại học Harvard nói.

    Giáo dục ĐH Việt Nam: năm vấn đề cần thay đổi

    Ngoài việc được thực hiện dưới sự bảo trợ của Quỹ VEF, báo cáo Những quan sát về GD ĐH trong trong các ngành Công nghệ Thông tin, Kỹ thuật Điện - Điện tử - Viễn thông và Vật lý tại một số Trường Đại học Việt Nam (gọi là Dự án giáo dục đại học của VEF), được tiến hành từ tháng 1 đến tháng 8 năm ngoái, còn được thực hiện theo đề nghị của tân Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD ĐT Nguyễn Thiện Nhân, khi đó là Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh.

    Dưới sự bảo trợ của Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ, các chuyên gia hàng đầu của Mỹ về đánh giá và thiết kế giảng dạy, cũng như các chuyên gia trong một số chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật đã tham gia vào dự án này.

    Có bốn trường đại học của Việt Nam (hai trường ở Hà Nội và hai trường ở Thành phố Hồ Chí Minh) được chọn tham gia dự án. Tên các trường tham gia được giữ kín nhằm tạo điều kiện cho các trường cung cấp những thông tin một cách cởi mở và chân thật.

    Mục đích của Dự án là hỗ trợ các nhà lãnh đạo và quản lý của bậc giáo dục đại học trong các nỗ lực nhằm nâng cao chương trình đào tạo, phương pháp sư phạm, và đưa ra các nhận định về các ngành khoa học và kỹ thuật tại Việt Nam.

    Sau khi kết thúc các chuyến khảo sát thực địa vào tháng 5-2006, hai đoàn chuyên gia đa ngành của Hoa Kỳ đã đưa ra kết luận về năm nhóm vấn đề then chốt mà giáo dục đại học ở Việt Nam cần thay đổi. Đó là: công tác giảng dạy và học tập ở bậc đại học, chương trình đào tạo và các môn học ở bậc đại học, giảng viên, đào tạo và nghiên cứu sau đại học, và công tác đánh giá kết quả học tập của sinh viên và hiệu quả nhà trường.(Chi tiết xem bài link)

    Qua đó, các đoàn chuyên gia cũng đã khuyến nghị một loạt giải pháp nhằm cải thiện tình hình và đưa ra các đề xuất chung để triển khai ở cấp độ toàn quốc.

    Một trong những biện pháp quan trọng, theo GS, TS John Hopcroft, Trường Đại học Cornell, đó là Việt Nam nên để các trường, khoa tự quyết định chương trình đào tạo của mình, sự phân cấp sẽ giúp cải thiện chất lượng giáo dục.

    Được biết, sau giai đoạn đánh giá hiện trạng công tác giảng dạy và học tập trong các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật điện - điện tử - viễn thông và vật lý tại bốn trường đại học điểm ở Việt Nam để nhận diện những cơ hội thay đổi, VEF sẽ tiến hành tiếp giai đoạn 2 đến tháng 8-2009, nhằm hỗ trợ thực hiện các thay đổi và vào cuối giai đoạn 2, đưa ra các mô hình có thể áp dụng cho tất cả các ngành học và các đơn vị đào tạo.

    Việt Nam chưa coi trọng ngành khoa học nông nghiệp

    Được tiến hành từ năm 2006 và kết thúc vào tháng 1 năm nay, báo cáo Những quan sát về hiện trạng giáo dục trong các ngành khoa học nông nghiệp tại Việt Nam của đoàn khảo sát thực địa thuộc Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ đệ trình cho VEF cho thấy, rõ ràng Bộ GD-ĐT Việt Nam chưa có sự coi trọng đúng mức về vai trò của khoa học nông nghiệp trong sự phát triển kinh tế.

    Theo TS Ray Gamble, những sinh viên giỏi nhất thường đăng ký vào học các chương trình công nghệ thông tin, khoa học máy tính và y khoa. Điều này có lẽ sẽ không nghiêm trọng lắm đối với một đất nước như Hoa Kỳ nơi chỉ có 2% dân số làm việc trong ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, tại Việt Nam hơn 60% dân số làm việc trong ngành nông nghiệp, bắt buộc phải có một số sinh viên giỏi nhất học chuyên về chương trình đào tạo nông nghiệp.

    Bốn trường đại học nông nghiệp tham gia vào dự án là: Trường Đại học Nông nghiệp I - Hà Nội, Trường Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Cần Thơ, và Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh.

    Qua bản báo cáo dài 37 trang, các chuyên gia Hoa Kỳ tham gia dự án đề nghị Bộ GD-ĐT và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần mạnh dạn xây dựng một lực lượng lao động chất lượng cao trong các khoa học nông nghiệp, và lực lượng lao động này phải đào tạo từ một hệ thống giáo dục chất lượng cao ở Việt Nam.

    Trả lời câu hỏi của các phóng viên là tại sao SV Việt Nam không thích chọn ngành nông nghiệp, TS Ray Gamble, Giám đốc các chương trình học bổng, Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ cho rằng, Việt Nam thường hay đề cập đến việc thiếu hụt lương thực thực phẩm, nhưng khi nói về nguồn năng lượng lại không quan tâm đến năng lượng mặt trời trong khi các nguồn năng lượng từ dầu và than đá đang dần cạn kiệt.

    Về lâu dài SV Việt Nam cần nhận thức rõ rằng ngành học về nông nghiệp không chỉ liên quan đến lương thực thực phẩm mà còn liên quan đến vấn đề nguồn năng lượng cũng như những vấn đề khác của nền kinh tế. Từ đó, các SV có sự đam mê theo đuổi ngành học này một cách đa dạng hơn.

    Về ngắn hạn, ngành nông nghiệp mang lại lợi nhuận khá cao. Ví dụ như ở Mỹ, bang California không chỉ có thung lũng Silicon, và SV ở đây không chỉ theo đuổi các ngành học về công nghệ máy tính mà nền nông nghiệp ở đây còn phát triển mạnh mẽ.

    Nói tóm lại, theo TS Ray Gamble, SV Việt Nam cần có bức tranh đầy đủ để hình dung về ngành học của mình, từ đó giúp đất nước tận dụng được những nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có.

    Sau hội thảo chung ngày hôm qua, Tiến sĩ Peter Gray, một chuyên gia hàng đầu về đánh giá đào tạo và bồi dưỡng phát triển giảng viên sẽ thực hiện các hội thảo về nâng cao phương pháp giảng dạy, đánh giá, và hoạch định chiến lược tại sáu trường đại học ở Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Các hội thảo này sẽ diễn ra từ 6 đến 13-8.

    Mỹ giúp Việt Nam đào tạo 2.500 trong số 20.000 TS

    Song song với hội thảo của Tiến sĩ Gray, mười sáu nhà khoa học còn lại trong đoàn Hoa Kỳ sẽ làm giám khảo trong kỳ thi vấn đáp để chọn ra những ứng viên xuất sắc nhất trong vòng tuyển chọn cuối cùng cho Chương trình học bổng VEF 2008. Các ứng viên này đã vượt qua hơn 1.000 ứng viên khác qua nhiều vòng của quá trình tuyển chọn.

    Ngoài 113 ứng viên của VEF, các giáo sư cũng sẽ phỏng vấn 28 ứng viên cho Chương trình Học bổng 322 của Bộ GD-ĐT theo quy trình nộp đơn và tuyển chọn của VEF.

    Bộ GD-ĐT và Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ có kế hoạch hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới về việc cấp 250 học bổng hàng năm cho các sinh viên Việt Nam đi học các chương trình sau đại học tại Hoa Kỳ.

    Trong thời gian ở Việt Nam, các giáo sư trong đoàn cũng sẽ đi giảng bài và thuyết trình về các vấn đề khoa học tại các trường đại học và viện nghiên cứu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

    TS Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Đại học và Sau Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, theo đề án đã được phê duyệt của Bộ GD-ĐT, từ nay đến năm 2020, ngành GD Việt Nam phải có thêm 20.000 TS cho các trường ĐH, CĐ và trong cả nước. Theo đó, một nửa trong số này sẽ được đào tạo ở nước ngoài. Trong số này, dự kiến 2.500 TS sẽ được đào tạo tại Mỹ qua việc tuyển chọn của VEF. Đây là chương trình phối hợp giữa Bộ GD-ĐT và Viện Hàn lâm Hoa Kỳ để gửi SV đến những trường ĐH tốt nhất.

    HỒNG VÂN

    vnschool.net (Theo http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=41&sub=74&article=1016)



     Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


    Những bài viết khác:



    Lên đầu trang

     
    CÔNG TY CÔNG NGHỆ TIN HỌC NHÀ TRƯỜNG
     
    Phòng 804 - Nhà 17T1 - Khu Trung Hoà Nhân Chính - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
    Phone: 024.62511017 - 024.62511081
    Email: kinhdoanh@schoolnet.vn


    Bản quyền thông tin trên trang điện tử này thuộc về công ty School@net
    Ghi rõ nguồn www.vnschool.net khi bạn phát hành lại thông tin từ website này
    Site xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.