Hotline: 024.62511017

024.62511081

  Trang chủ   Sản phẩm   Phần mềm Dành cho nhà trường   Phần mềm Hỗ trợ học tập   Kho phần mềm   Liên hệ   Đăng nhập | Đăng ký

Tìm kiếm

School@net
 
Xem bài viết theo các chủ đề hiện có
  • Hoạt động của công ty (727 bài viết)
  • Hỗ trợ khách hàng (494 bài viết)
  • Thông tin tuyển dụng (57 bài viết)
  • Thông tin khuyến mại (81 bài viết)
  • Sản phẩm mới (218 bài viết)
  • Dành cho Giáo viên (552 bài viết)
  • Lập trình Scratch (3 bài viết)
  • Mô hình & Giải pháp (155 bài viết)
  • IQB và mô hình Ngân hàng đề kiểm tra (126 bài viết)
  • TKB và bài toán xếp Thời khóa biểu (242 bài viết)
  • Học tiếng Việt (182 bài viết)
  • Download - Archive- Update (289 bài viết)
  • Các Website hữu ích (71 bài viết)
  • Cùng Học (98 bài viết)
  • Learning Math: Tin học hỗ trợ học Toán trong nhà trường (74 bài viết)
  • School@net 15 năm (153 bài viết)
  • Mỗi ngày một phần mềm (7 bài viết)
  • Dành cho cha mẹ học sinh (123 bài viết)
  • Khám phá phần mềm (122 bài viết)
  • GeoMath: Giải pháp hỗ trợ học dạy môn Toán trong trường phổ thông (36 bài viết)
  • Phần mềm cho em (13 bài viết)
  • ĐỐ VUI - THƯ GIÃN (360 bài viết)
  • Các vấn đề giáo dục (1209 bài viết)
  • Bài học trực tuyến (1033 bài viết)
  • Hoàng Sa - Trường Sa (17 bài viết)
  • Vui học đường (276 bài viết)
  • Tin học và Toán học (220 bài viết)
  • Truyện cổ tích - Truyện thiếu nhi (181 bài viết)
  • Việt Nam - 4000 năm lịch sử (97 bài viết)
  • Xem toàn bộ bài viết (8222 bài viết)
  •  
    Đăng nhập/Đăng ký
    Bí danh
    Mật khẩu
    Mã kiểm traMã kiểm tra
    Lặp lại mã kiểm tra
    Ghi nhớ
     
    Quên mật khẩu | Đăng ký mới
    
     
    Giỏ hàng

    Xem giỏ hàng


    Giỏ hàng chưa có sản phẩm

     
    Bản đồ lưu lượng truy cập website
    Locations of visitors to this page
     
    Thành viên có mặt
    Khách: 5
    Thành viên: 0
    Tổng cộng: 5
     
    Số người truy cập
    Hiện đã có 93334831 lượt người đến thăm trang Web của chúng tôi.

    Thư ngỏ của Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt

    Ngày gửi bài: 13/11/2007
    Số lượt đọc: 2912

    (VietNamNet) - Xây dựng Nhà Quốc hội là một công việc hệ trọng, các vị đại biểu Quốc hội đang thay mặt Nhà nước và toàn thể nhân dân đưa ra những quyết định tác động đến lịch sử. Cần lắng nghe và cân nhắc rất cẩn trọng. - Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

    Với tư cách một công dân, một cử tri, hiện cư trú tại TPHCM, tôi mong muốn trình bày với ông Chủ tịch và toàn thể Quốc hội một vấn đề mà tôi cùng nhiều người Việt Nam đang rất quan tâm. Đó là: Chủ trương phá bỏ Hội trường Ba Đình, xây dựng công trình kiến trúc Nhà Quốc hội mới.

    Trước đây, tôi là người đồng ý chủ trương xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) tại khu vực này. Bộ Chính trị cũng vậy. Nhưng khi đó, chúng ta chưa phát hiện những dấu tích của Hoàng thành Thăng Long, chưa có điều kiện để chứng kiến và đánh giá những di tích lịch sử quý giá đã nghìn năm tồn tại trong khu vực ấy. Nay, do một phần lớn diện tích thuộc phần di tích phải bảo tồn, nếu xây nhà Quốc hội, khu đất này chỉ còn lại 1,2 ha, thay vì khoảng 6 ha như trước. Mặt khác, không gian kiến trúc khu vực trước lăng Hồ Chủ Tịch cũng không cho phép tòa nhà có thể xây cao lên.

    Chỉ trên 19.000m2 được khảo sát khảo cổ, lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học nước ta đã phát hiện dưới lòng đất một kho tàng đang lưu giữ 13 thế kỷ xây dựng kinh đô Thăng Long của người Việt Nam với những bằng chứng không thể phủ nhận rằng: “Cha ông chúng ta đã từng sở hữu một nền nghệ thuật kiến trúc và xây dựng đô thị phát triển ở trình độ cao”.

    Cùng với phát hiện đó, các nhà khảo cổ nước ta bước đầu đã chứng minh được rằng Khu Di tích 18 Hoàng Diệu nằm trong một không gian liên tục với khu thành cổ Hà Nội (trong đó có 9.395 m2 vừa được Bộ Quốc phòng bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội ngày 24/11/2006). Hơn nữa, đã bước đầu xác định được khu 18 Hoàng Diệu thuộc phạm vi Cấm thành (trung tâm Hoàng Thành) của nhiều niên đại xây dựng thành Thăng Long cũ.

    Những đánh giá này cũng được thể hiện rõ trong báo cáo của sử gia, Tiến sĩ Andrew Hardy (Đại học Quốc gia Úc), Trưởng đại diện Trường Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội, lãnh đạo đội nghiên cứu di chỉ Ba Đình (nếu các vị thấy cần, tôi sẽ cung cấp bản báo cáo chi tiết). Sau khi nghiên cứu kỹ di chỉ Ba Đình, lựa chọn mà nhóm nghiên cứu đưa ra là: “Phải chấp nhận các thách thức do phát hiện khảo cổ học mang lại.

    Điều này có nghĩa là bảo tồn toàn bộ di tích tại 18 Hoàng Diệu (bao gồm khu A, B, C và D theo sơ đồ của các nhà khảo cổ Viện KHXH Việt Nam). Nó cũng có nghĩa là phát triển khu vực xung quanh có liên quan đến thành cổ Thăng Long (giới hạn bởi các phố Phan Đình Phùng, Thuốc Bắc, Trần Phú và Hùng Vương) như một vùng văn hóa đặc biệt ở trung tâm Hà Nội. Hậu quả trước mắt của quyết định này có thể là đình chỉ tất cả các công trình xây lớn trong phạm vi vùng này, trong khi chờ đợi sự ban hành sắc lệnh bảo vệ di sản trong phạm vi khu vực”.

    Như vậy là cùng với những gì còn sót lại trên mặt đất sau biến cố hàng ngàn năm lịch sử, nay nhờ công việc khảo cổ, chúng ta bước đầu biết rằng ngay trong lòng đất khu vực Ba Đình, có thể còn biết bao nhiêu kho tàng quý giá của cha ông. Trong sứ mệnh giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ con em và cho cả ngay chính chúng ta, có di tích nào quan trọng và lớn lao hơn thế?

    Nhân đi Hà Nội dự khai mạc Quốc hội, sau khi nghe và trao đổi ý kiến với một số anh em, ngày 01/08/2007, tôi có gửi đồng chí TBT Nông Đức Mạnh một bức thư bày tỏ sự băn khoăn này, xin được trích dẫn một đoạn dưới đây:

    “Liên quan đến quy hoạch Hà Nội, tôi cũng có trao đổi với một số anh em về chủ trương xây dựng nhà Quốc hội tại Ba Đình, phá hội trường hiện tại. Có mấy vấn đề đặt ra mà còn nhiều ý kiến băn khoăn: hội trường Ba Đình hiện tại gắn với khu di tích, nên nếu hội trường mới làm lớn thì bị hạn chế nhất định, còn nếu làm nhỏ thì không đủ tầm, không phù hợp với xu thế phát triển.

    Tôi nghĩ có cách nào mình giữ, tôn tạo được Hội trường Ba Đình, coi như một di tích lịch sử kế tiếp, ở đó gắn liền với quảng trường Ba Đình lịch sử, về ý nghĩa chính trị không đâu thay thế được. Nếu hội trường hiện tại có xuống cấp, hư hỏng thì với kỹ thuật hiện nay, việc khắc phục không mấy khó khăn. Ta kết hợp tôn tạo thành một quần thể di tích có cổ xưa, có đương đại. Thậm chí, nhiều cuộc họp quan trọng, mang ý nghĩa chính trị cao cũng không chỗ nào thay thế được khu trung tâm chính trị lớn này. Cá nhân tôi nghiêng về phía giữ lại khu Ba Đình với hội trường cũ, không thể xây dựng nhà Quốc hội mới đủ bề thế ở đây.

    Quyết định này cũng liên quan đến hướng mở rộng quy hoạch Hà Nội. Phải chăng nên nghiên cứu lại ý định trước đây, dời Quốc hội về phía đường lên Hòa Lạc để có một diện tích xứng đáng, như thế vừa giữ lại khu Ba Đình mà vẫn xây nhà Quốc hội tầm cỡ”.


    Thiết nghĩ, trước những công việc lớn ở tầm cao trách nhiệm như trên, Quốc hội đã đưa ra quyết định mà tôi cho rằng khá vội vã. Theo đó, Bộ Xây dựng đã gấp rút tiến hành tổ chức một cuộc thi hạn chế mà kết quả đầy khiếm khuyết đã được trưng bày tại Trung tâm Hội nghị quốc gia từ ngày 2 đến 15/9/2007.

    Việc trưng bày một công trình có tầm quan trọng như thiết kế nhà Quốc hội tại một địa điểm quá xa trung tâm và trong một thời gian ngắn đã vô tình loại bỏ rất nhiều người dân muốn tham gia ý kiến nhưng không có thông tin hoặc không đủ điều kiện tới xem. Công trình nhà Quốc hội là một trong những biểu trưng cho quyền lực toàn dân, không thể vì bất cứ lý do gì mà nhân dân cả nước, đặc biệt, nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam không được “Xem và tham gia ý kiến”.

    Tôi đề nghị: Ban Tổ chức cần tiến hành trưng bày tại Đà Nẵng và TP.HCM để nhân dân và giới chuyên môn cả ở ba miền có điều kiện đóng góp ý kiến, và cũng để rút kinh nghiệm cho những lần khác, cho những công trình tiêu biểu khác của Quốc gia. Sau triển lãm, cần có tổng kết, công khai minh bạch kết quả và có kết luận cụ thể.

    Bản thân tôi cũng như rất nhiều các ý kiến khác nghiêng về giải pháp giữ lại Hội trường Ba Đình trong tổng thể khu di tích. Tôi đồng ý Quốc hội cần có một trụ sở xứng đáng, nhưng không vì thế mà có thể vội vàng. Trước mắt, có thể cải tạo và sử dụng Hội trường Ba Đình, khi cần thiết trưng dụng thêm Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Khi ta có điều kiện hơn, và thời gian cũng đủ nhiều để có một công trình kiến trúc Nhà Quốc hội mới đủ tầm, không phụ thuộc vào diện tích hay bị hạn chế mặt này mặt khác.

    Đồng thời trong lúc này, ta tranh thủ xúc tiến vận động để UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới. Việc này sẽ rất có ý nghĩa nhân dịp Hà Nội kỷ niệm nghìn năm Thăng Long vào năm 2010.

    Hơn nữa, xây dựng công trình nhà Quốc hội tai đây, các nhà kiến trúc có lường được sự chấn động khi giải pháp thi công cơ giới với thiết bị nặng sẽ làm nứt vỡ các tầng văn hóa rất momg manh của Khu Di tích 18 Hoàng Diệu nằm ngay bên cạnh? Lúc ấy người chịu trách nhiệm sẽ là ai?

    Nhân đây, tôi xin lưu ý thêm với các đồng chí. Không thể xây dựng một công trình có ý nghĩa quan trọng như vậy mà lại lấy lý do chào mừng kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, để rồi tiến hành vội vã. Chúng ta đã có kinh nghiệm về những sự trả giá cho những công trình chạy đua để chào mừng lễ lạt. Nhân Thăng Long nghìn năm tuổi, chúng ta càng phải nhận thức rõ hơn về mặt thời gian. Ý nghĩa của một công trình là ở những giá trị bền lâu, chứ không phải ở chỗ, nó được cắt băng khánh thành trong một ngày đại lễ.

    Mặt khác, không thể nhân danh lịch sử để cư xử thiếu cân nhắc với những di tích hiện thân của lịch sử. Nếu thấy cần thiết, Quốc hội nên lấy ý kiến nhân dân. Muốn thế, chúng ta phải thực sự cầu thị, tổ chức theo những phương thức mà nhân dân có thể tham gia thực sự chứ không phải chỉ lấy ý kiến nhân dân cho có lệ. Đây là một công việc hệ trọng, các vị đại biểu Quốc hội đang thay mặt Nhà nước và toàn thể nhân dân đưa ra những quyết định tác động đến lịch sử. Cần lắng nghe và cân nhắc rất cẩn trọng.

    Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt

    Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt góp ý về Nhà Quốc hội

    Tham gia vào cuộc trao đổi rộng rãi này, tôi xin được đóng góp một số ý kiến suy nghĩ không riêng tôi...

    Cuối cùng thì hình ảnh của một trong những công trình mà nhân dân cả nước chờ đợi đã được công bố. “... Cuộc triển lãm trưng bày 17 phương án thiết kế kiến trúc nhà Quốc hội mới tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia để nhân dân xem và tham gia ý kiến...”.

    Không biết phương án giải A, một trong 17 phương án được tuyển có diện mạo như thế nào, nhưng chắc rằng hội đồng tuyển chọn do những nhà kiến trúc được tín nhiệm của nước ta cùng các chuyên gia và cộng sự với tinh thần trách nhiệm cao đã dày công so sánh, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

    Những đồ án thiết kế kiến trúc đó còn được trưng bày “... để nhân dân xem và tham gia ý kiến...” (Tin đã trích). Chắc chắn trong đông đảo những người đến xem có nhiều nhà chuyên môn trong và ngoài ngành kiến trúc, xây dựng, với tư cách công dân và tư cách người được thụ hưởng, sẽ đóng góp với Ban Quản lý dự án những ý kiến quý báu để có một công trình kiến trúc tiêu biểu về nhiều mặt cho nhân dân ta, cho đất nước ta. Nhà Quốc hội, nơi mà nhiều thế hệ các đại biểu của nhân dân, định kỳ, sẽ gặp nhau để bàn việc dân, việc nước, phải là một công trình mà mọi người Việt Nam trong và ngoài nước cùng các thế hệ mai sau có thể tự hào, cùng nắm tay nhau, ngẩng cao đầu tiếp bước cha ông, bước sang thời kỳ mới, thời kỳ của Đổi mới - Hội nhập và Phát triển.

    Tham gia vào cuộc trao đổi rộng rãi này, tôi xin được đóng góp một số ý kiến suy nghĩ không riêng tôi. Rất tiếc là không được cơ hội trao đổi với cấp và người có thẩm quyền:

    - Nhà Quốc hội là một công trình quan trọng và có ý nghĩa lớn trong hệ thống công trình tiêu biểu cho thành tựu phát triển kinh tế - văn hóa, lịch sử, trình độ khoa học - công nghệ, những kết tinh của nền nghệ thuật Việt Nam. Hy vọng phương án chọn sẽ đáp ứng được những tiêu chí của một công trình kiến trúc tiêu biểu nhiều mặt cho Đất - Nước, thể hiện được khát vọng vươn tới tương lai của toàn dân tộc.

    - Số tiền bỏ ra để xây dựng nhà Quốc hội chắc chắn không nhỏ, nhưng dù có là bao nhiêu, một mình nhà Quốc hội cũng không thể dựng nên một không gian đô thị hoàn chỉnh mà thời đại mới đòi hỏi. Để đáp ứng những yêu cầu nhiều mặt như đã nêu trên, nhà Quốc hội cần một không gian đủ lớn, kết hợp với nhiều công trình khác nữa (chưa kể hệ thống quảng trường, đài, tượng, cây xanh v.v... tương xứng). Nhà Quốc hội nay mai phải là công trình trung tâm trong một tổng thể kiến trúc đô thị đồng bộ, hoàn chỉnh, cùng một hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại, tiên tiến, bền vững trong lâu dài, tiêu biểu cho một quốc gia mà tương lai không xa, số dân sẽ đạt hoặc vượt ngưỡng 100 triệu người. Đã đến lúc thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, cần sớm có một trung tâm mới, một hình ảnh mới, tiêu biểu cho thời kỳ mới của dân tộc ta.

    Trung tâm Ba Đình cần và nên được giữ gìn như một trung tâm lịch sử. Hội trường Ba Đình cũng cần và nên được đối xử trân trọng như một di tích lịch sử với nguyên vẹn dấu ấn của những sự kiện vô giá đã gắn chặt với hình ảnh công trình này. Những sự kiện không thể lập lại.

    Chúng ta đang vận động toàn Đảng, toàn dân học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Chúng ta đã và đang trân trọng giữ gìn những di vật liên quan đến cuộc đời của Bác, từ nếp nhà tranh làng Kim Liên, nơi Bác chào đời, chiếc lán nhỏ ở Nà Lừa, nôi chiến khu Việt Bắc nơi Bác hoạt động cách mạng trong thời kỳ khó khăn trên đảo xa Cô Tô, nơi Bác từng một lần đến thăm. Không vì lẽ gì mà Hội trường Ba Đình, một trong những di tích lớn và quan trọng, nơi nhiều lần Bác đã điều hành Quốc hội, nơi Bác đã tổ chức “Hội nghị Diên Hồng lần thứ 2” (Hội nghị Chính trị đặc biệt kêu gọi toàn dân chung sức đánh Mỹ - năm 1964), cũng là nơi Bác chia tay toàn Đảng, toàn dân, đi mãi vào cõi vĩnh hằng.

    Gìn giữ Hội trường Ba Đình chính là gìn giữ những hiện vật lịch sử có ý nghĩa giáo dục cho muôn đời con cháu. Rất có thể Hội trường Ba Đình đã không còn đủ khả năng phục vụ cho yêu cầu làm việc của Quốc hội, nay đã lớn mạnh hơn, cần khang trang hơn, hiện đại hơn. Nhưng chắc chắn mỗi kỳ họp, các đại biểu quốc hội vẫn đến quảng trường Ba Đình viếng Bác. Thiết nghĩ, hội trường Ba Đình có thể là địa chỉ các phiên khai mạc, bế mạc Quốc hội. Những sinh hoạt mang tính lễ nghi diễn ra trong hội trường này sẽ như lời một bài hát: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Trước vong linh Bác, mỗi đại biểu sẽ có dịp nhìn lại mình, sao cho xứng danh hiệu “những đầy tớ trung thành của nhân dân, những đại biểu xứng đáng của nhân dân”.

    Giữ lại Hội trường Ba Đình, xây dựng nhà Quốc hội mới trên một địa điểm mới, tạo dựng một không gian đô thị mới cũng chính là cách thực hiện lời dạy của Bác về tiết kiệm và dự báo thiên tài của Bác: “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam không sợ. Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại Đất-Nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” (Trích Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Đài tiếng nói Việt Nam phát ngày 17 tháng 7 năm 1966).

    Đã qua rồi thời kỳ chúng ta phải đeo bám vào hệ thống giao thông đô thị sẵn có của những thành phố cũ đang ngày càng trở nên chật chội. Bài học xây dựng và cải tạo đô thị theo cách xen cấy các công trình mới vào khu trung tâm, phá vỡ sự hài hòa toàn cảnh, gây nên những nhức nhối không đáng có mà Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố khác đã làm trong nhiều năm qua, cần sớm được đúc kết kinh nghiệm, tránh lặp lại trong trường hợp này.

    Như đã trình bày, nhà Quốc hội là một công trình có ý nghĩa nhiều mặt, được nhân dân cả nước quan tâm. “Cuộc trưng bày triển lãm” nên được thực hiện một cách rộng rãi, nên tạo điều kiện để nhân dân và giới nghề nghiệp cả nước có cơ hội “xem và tham gia ý kiến”. Về thời gian, thiết nghĩ cũng nên bỏ cách làm vội vã cho kịp ngày kỷ niệm như một số công trình trước đây. Cách làm đó chỉ thể hiện thái độ thiếu thận trọng, thiếu dự liệu tầm xa, đã gây không ít lãng phí về tiền của mà còn để lại những khiếm khuyết đáng tiếc đối với dư luận và cho chính bản thân công trình.

    Võ Văn Kiệt (Nguyên Thủ tướng Chính phủ)

    school@net (Theo http://vietnamnet.vn/vanhoa/2007/10/747481/)



     Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


    Những bài viết khác:



    Lên đầu trang

     
    CÔNG TY CÔNG NGHỆ TIN HỌC NHÀ TRƯỜNG
     
    Phòng 804 - Nhà 17T1 - Khu Trung Hoà Nhân Chính - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
    Phone: 024.62511017 - 024.62511081
    Email: kinhdoanh@schoolnet.vn


    Bản quyền thông tin trên trang điện tử này thuộc về công ty School@net
    Ghi rõ nguồn www.vnschool.net khi bạn phát hành lại thông tin từ website này
    Site xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.