Hotline: 024.62511017

024.62511081

  Trang chủ   Sản phẩm   Phần mềm Dành cho nhà trường   Phần mềm Hỗ trợ học tập   Kho phần mềm   Liên hệ   Đăng nhập | Đăng ký

Tìm kiếm

School@net
 
Xem bài viết theo các chủ đề hiện có
  • Hoạt động của công ty (727 bài viết)
  • Hỗ trợ khách hàng (494 bài viết)
  • Thông tin tuyển dụng (57 bài viết)
  • Thông tin khuyến mại (81 bài viết)
  • Sản phẩm mới (218 bài viết)
  • Dành cho Giáo viên (552 bài viết)
  • Lập trình Scratch (3 bài viết)
  • Mô hình & Giải pháp (155 bài viết)
  • IQB và mô hình Ngân hàng đề kiểm tra (126 bài viết)
  • TKB và bài toán xếp Thời khóa biểu (242 bài viết)
  • Học tiếng Việt (182 bài viết)
  • Download - Archive- Update (289 bài viết)
  • Các Website hữu ích (71 bài viết)
  • Cùng Học (98 bài viết)
  • Learning Math: Tin học hỗ trợ học Toán trong nhà trường (74 bài viết)
  • School@net 15 năm (153 bài viết)
  • Mỗi ngày một phần mềm (7 bài viết)
  • Dành cho cha mẹ học sinh (123 bài viết)
  • Khám phá phần mềm (122 bài viết)
  • GeoMath: Giải pháp hỗ trợ học dạy môn Toán trong trường phổ thông (36 bài viết)
  • Phần mềm cho em (13 bài viết)
  • ĐỐ VUI - THƯ GIÃN (360 bài viết)
  • Các vấn đề giáo dục (1209 bài viết)
  • Bài học trực tuyến (1033 bài viết)
  • Hoàng Sa - Trường Sa (17 bài viết)
  • Vui học đường (276 bài viết)
  • Tin học và Toán học (220 bài viết)
  • Truyện cổ tích - Truyện thiếu nhi (181 bài viết)
  • Việt Nam - 4000 năm lịch sử (97 bài viết)
  • Xem toàn bộ bài viết (8222 bài viết)
  •  
    Đăng nhập/Đăng ký
    Bí danh
    Mật khẩu
    Mã kiểm traMã kiểm tra
    Lặp lại mã kiểm tra
    Ghi nhớ
     
    Quên mật khẩu | Đăng ký mới
    
     
    Giỏ hàng

    Xem giỏ hàng


    Giỏ hàng chưa có sản phẩm

     
    Bản đồ lưu lượng truy cập website
    Locations of visitors to this page
     
    Thành viên có mặt
    Khách: 5
    Thành viên: 0
    Tổng cộng: 5
     
    Số người truy cập
    Hiện đã có 93339954 lượt người đến thăm trang Web của chúng tôi.

    "Mong con mình học hết phổ thông biết nấu cơm, sửa xe..."

    Ngày gửi bài: 13/03/2008
    Số lượt đọc: 2862

    Giảm thời gian học phổ thông từ 12 năm xuống còn 9 năm. Tinh giản tối đa các kiến thức "cả nước xúm vào làm 1 bài toán, 1 bài văn mà không cần cho tổ chức, cá nhân nào và hầu như không giúp gì cho cuộc sống sau này". Bổ sung các môn "Vấn đề quanh em", "Lửa thử vàng", "Kiếm tiền và sử dụng tiền".

    Ngày cuối năm, một người đàn ông trạc 50 tuổi tới toà soạn VietNamNet với bản tài liệu photocopy trên tay. Anh là Vũ Mạnh Tiến, phụ huynh của 2 học sinh đang học lớp 10 và lớp 4. Tài liệu anh mang theo được gọi là bản đề án "đổi mới giáo dục phổ thông" mà anh "lạch cạch gõ những dòng tâm huyết khi có thời gian rảnh" với 30 trang đánh máy, xuất phát từ bức xúc chuyện học hành của con cái. Anh Tiến hiện là một chủ doanh nghiệp ở Hà Nội. Dưới đây là câu chuyện của anh với VietNamNet.

    Những sản phẩm "học không hay, cày không thạo"

    Anh Vũ Mạnh Tiến

    - Điều gì đã thúc đẩy anh dành những khoảng thời gian rảnh để viết những trang đề xuất này?

    - Tôi có con gái đang học lớp 10 và con trai học lớp 4.Thực sự, tôi chỉ mong con gái tôi học hết phổ thông biết là quần áo, cắm hoa, nấu cơm, con trai tôi biết sửa chữa xe máy, thay bóng điện, các con tôi về nhà biết chào khách đúng cách, biết sống hòa hợp với mọi người xung quanh. Nhưng các cháu chỉ suốt ngày loay hoay ngồi giải những bài toán mà cả thế giới đã biết đáp án từ hàng trăm năm nay.

    Cánh cổng ĐH quá hẹp, chỉ để lọt 1 số HS giỏi làm toán, làm lý, làm hóa, làm văn.

    Những em không thể học tiếp ĐH cũng chỉ có một mớ lý thuyết hàn lâm, không có tính chủ động, khéo léo hay khả năng giải quyết tình huống thực tiễn, cũng chẳng biết năng khiếu của mình là gì để phát huy vì còn mải chạy đua với các bạn “giỏi toán, giỏi văn” ở lớp. Kết quả là sản sinh ra 1 loạt những HS “học không hay, cày không thạo”.

    - Anh nói vậy, e rằng quá cực đoan?

    Có 1 câu chuyện nhỏ tôi từng đọc trên báo cách đây hơn 10 năm. Một lần, Tổng thống Hoa Kỳ Geogre Bush (cha) đến thăm một trường tiểu học. Khi ông đang nói chuyện, một cậu bé giơ tay đề nghị ông chứng minh rằng ông chính là Tổng thống Hoa Kỳ.

    Loay hoay mãi, Bush cũng tìm được bằng lái xe có ghi tên mình nhưng cậu bé nói điều này không đủ để chứng minh ông là tổng thống. Ông Bush đã phải xin lỗi cậu bé và hứa ngay sau khi về Nhà Trắng sẽ in thẻ có ghi rõ chức danh tổng thống.

    Đến bao giờ chúng ta mới có 1 HS tiểu học dám “vặn vẹo” 1 nhân vật đầy quyền lực như thế? Đến bao giờ, chúng ta mới có các công dân suy nghĩ độc lập, sáng tạo, tự tin, dũng cảm như thế?

    Chính những bức xúc đó đã thôi thúc tôi viết đề án này.

    Hơn nữa, sau hơn 20 năm đổi mới vừa qua, ngành giáo dục vẫn loay hoay "cải tiến, cải lùi" trong một vòng luẩn quẩn, chưa thể đưa giáo dục VN bứt phá.

    Chính vì thế, theo tôi đây là thời điểm phát huy trí tuệ xã hội, để mọi người dân kiến kế cải cách giáo dục. Thậm chí, ngành giáo dục nên trích ra khoảng 5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khổng lồ (và đang được sử dụng không hiệu quả) để phát động một cuộc thi viết đề án cải cách giáo dục trong toàn dân.

    - Để viết đề án này, chắc hẳn anh đã có sự quan tâm, nghiên cứu kỹ về giáo dục từ lâu. Anh đã sưu tầm, chắt lọc thông tin về giáo dục từ những nguồn nào, bằng cách nào?

    Từ khi còn là SV, sau khi đọc bài báo về một thầy giáo đi vòng quanh đất nước để "gom" những HS cá biệt về trường của mình, tôi đã bắt đầu quan tâm tới giáo dục, đặc biệt là phương pháp giáo dục gắn với cuộc sống.

    Từ đó đến nay, tôi thường xuyên đọc sách báo, lên mạng internet đọc các bài viết về giáo dục.

    Nhiều tác giả viết sách về kinh doanh cũng có bàn cả vấn đề giáo dục. Chẳng hạn như tôi được biết 1 nhà kinh doanh ở Hoa Kỳ mở trường phổ thông và đã cô đọng kiến thức hàn lâm của 10 năm phổ thông xuống còn… 4 tháng để dành chỗ cho các kiến thức đời sống. Tôi là người có trí nhớ tốt, và bất cứ câu chuyện, thông tin nào liên quan tới giáo dục từng đọc, tôi đều nhớ rất kỹ, rất lâu.

    Đi nhiều nước trên thế giới, đến đâu tôi cũng tìm hiểu về nền giáo dục của họ. Thông qua bạn bè hoặc con cái của bạn đi du học, tôi cũng tìm hiểu về giáo dục các nước.

    Rút ngắn chương trình xuống 9 năm

    - Từ những hiểu biết về giáo dục đã tích lũy, anh đề xuất nên điều chỉnh chương trình như thế nào để đào tạo những công dân "suy nghĩ độc lập, sáng tạo, tự tin, dũng cảm" như anh nói?

    - Tôi đề xuất chương trình phổ thông sẽ rút ngắn từ 12 năm xuống còn 9 năm, chỉ còn 2 bậc học là tiểu học và trung học, không có thi chuyển cấp.

    Trước mắt, tôi đề nghị bỏ ở cấp tiểu học 40%, cấp THCS 50% và cấp THPT 60-70% kiến thức về Văn, Toán, Lý, Hóa. Các môn còn lại cũng nên tinh giản tối đa.

    Hiện hàng triệu HS phổ thông VN trong nhiều năm trời ngày đêm miệt mài đánh vật với các con số, các bài văn mà kết quả đã biết từ hàng trăm năm trước. Cả nước xúm vào làm 1 bài toán, 1 bài văn mà không cần cho tổ chức, cá nhân nào và hầu như không giúp gì cho cuộc sống sau này.

    Chương trình GDPT sẽ chuyển từ “dạy lý thuyết, dạy chữ, dạy số, dạy nhớ” sang “dạy thể chất, dạy phương pháp, dạy hành động, dạy làm người”.

    Thực tế cho thấy, những người biết ứng xử khôn ngoan, khéo léo trong đời sống, biết tận dụng cơ hội và phát huy thế mạnh của mình dễ thành công hơn những người chỉ biết làm toán, làm văn.

    Nói một cách nôm na, tôi đề xuất chuyển hết môn chính thành phụ, môn phụ thành chính. - Nhưng dạy con nấu ăn, sửa chữa điện hay biết đối diện và vượt qua thử thách trong cuộc sống là trách nhiệm của phụ huynh và gia đình. Tại sao lại đẩy về phía nhà trường, nơi còn có sứ mạng chính là dạy chữ cho học sinh?

    - Vấn đề là ở chỗ, HS bây giờ dành cả ngày để ngồi giải toán, làm văn rồi, mà sức khỏe, trí óc, thời gian của con người đều có hạn nên chẳng còn nghĩ tới việc gì khác được nữa. Nghỉ hè hoặc cuối tuần, tôi muốn đưa các con về quê thăm họ hàng và khám phá thiên nhiên, học nấu ăn, cắm hoa, chơi thể thao... nhưng các cháu còn bận đi học thêm tới 9, 10h tối.

    Tôi vẫn hay gọi các con mình là "những nạn nhân ưu tú của 1 nền giáo dục lệch lạc". Còn tôi thì là nạn nhân dây chuyền bởi ngày nào cũng phải đưa đón con đi học từ sáng sớm tới tối mịt.

    - Sau khi hoàn thành đề án, anh có cho bạn bè, người thân của mình, đặc biệt là con gái mình xem và góp ý không? Nếu có, họ đánh giá thế nào về đề án này?

    - Các bạn tôi đều gật gù chia sẻ, nhưng họ lại lại lắc đầu và bảo: "Có đưa lên trên thì cũng chẳng ai nghe đâu!"

    Vợ tôi thì bảo bây giờ cả xã hội đua nhau như thế rồi, tôi mà hướng con học theo những gì mình viết trong đề án thì "để chúng nó trượt tốt nghiệp à?"

    Con gái tôi vẫn ngày đêm miệt mài làm toán, làm văn theo trào lưu của bạn bè ở lớp nghe ngóng, "săn" thông tin về lớp nọ, lớp kia, thầy nọ thầy kia để đi học cho bằng được, khỏi "thua bạn kém bè".

    Nhưng tôi tin rằng, nếu đề án của tôi được triển khai sẽ nhận được sự ủng hộ của đa số HS phổ thông trên cả nước. Các em sẽ không còn hò reo sung sướng khi nghe tin thầy giáo nghỉ nữa mà bù lại, mỗi sáng ngủ dậy đều háo hức đến trường bởi các em được học những gì thiết thực và thú vị.

    Xin cảm ơn anh!

    Sơ lược đề án cải cách giáo dục phổ thông của anh Vũ Mạnh Tiến

    1. Định nghĩa: GDPT là việc truyền dạy những kiến thức, kỹ năng cơ bản, cần thiết, sát thực nhất để người học có thể áp dụng vào cuộc sống nhằm thích nghi và hòa nhập tốt với xã hội hiện tại.

    2. Cắt giảm: Rút ngắn từ 12 năm xuống còn 9 năm, chỉ còn 2 bậc học là tiểu học và trung học, không có thi chuyển cấp.

    Bỏ ở cấp tiểu học 40%, cấp THCS 50% và cấp THPT 60-70% kiến thức về Văn, Toán, Lý Hóa. Các môn còn lại cũng nên tinh giản tối đa.

    3. Tăng cường: Đưa những điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng thành 10 môn học khác nhau gồm: Yêu Tổ quốc, Yêu đồng bào, Học tập tốt, Lao động tốt, Đoàn kết tốt, Kỷ luật tốt, Giữ gìn vệ sinh thật tốt, Kiêm tốn, Thật thà, Dũng cảm. Phải cho HS cảm nhận, thấu hiểu và hành động theo những điều này chứ không chỉ học thuộc vanh vách khẩu hiệu mà hiểu lơ mơ như hiện nay.

    Cho mỗi em tự do phát triển năng khiếu. HS nào cũng có khả năng riêng, vấn đề là nhà trường phải khơi gợi và giúp các em phát huy.

    Về kiến thức, thay vì bắt các em giải bài toán về hạt nhân nguyên tử, mạch vòng mạch thẳng của hóa, các đường cong parabol hay hàm số tích phân với đủ loại biến số như hiện nay, cần trang bị các kiến thức phổ thông như về nữ công gia chánh, sửa chữa điện gia đình, thời trang, sức khỏe sinh sản…

    HS vùng nào phải hiểu về phong tục, tập quán, lịch sử của vùng đó cũng như của đất nước VN. Bên cạnh đó, nên đưa môn “Vấn đề quanh em” vào chương trình để các em cùng tìm hướng giải quyết cho những vấn đề nảy sinh trong thực tế.

    Cùng với đó là môn “Lửa thử vàng” dạy các em những trải nghiệm về cảm xúc, cách xử lý khi đối mặt với tình huống thực, gay cấn trong cuộc sống.

    Một môn rất quan trọng là “Kiếm tiền và Sử dụng tiền” để các em hiểu được mặt phải, mặt trái của đồng tiền và biết những kiến thức liên quan tới kinh doanh, thương mại, ngân hàng, thuế… để hết phổ thông có thể ra trường tự mở cửa hàng gội đầu, bán phở kiếm sống chứ không nhất thiết phải chen chân vào ĐH.

    Nâng cao thể lực cho HS thông qua những môn thể thao phổ biến như bơi lội, đá bóng, bóng chuyền…

    4. Giáo viên: Tận dụng nguồn lực của xã hội, tạm gọi là những “giáo viên tiềm năng” rất đông đảo bên ngoài nhà trường. Dạy nấu ăn có thể mời bác bán cơm bình dân đầu phố, dạy về quan họ thì không thầy cô nào bằng nghệ sỹ Thúy Cải, dạy đối phó với tội phạm thì không ai khác ngoài công an phường…

    *****************

    Ho ten: Phạm Hà Trang
    Dia chi: Hà Nội
    Email: pham.hatrang@gmail.com

    Cháu hiện là sinh viên năm thứ 2 tại 1 trường Đại học ở Hà Nội. Cũng như nhiều học sinh, sinh viên, phụ huynh hiện đang rất bức xúc về việc dạy và học ở nước ta, cháu cũng rất mong muốn có những cải cách để nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, cháu cảm thấy không hoàn toàn đồng ý với những ý kiến mà chú Tiến nêu ra, bởi vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay trong giáo dục ở nước ta hiện nay, theo cháu, không hoàn toàn là dạy cái gì, mà là dạy như thế nào. Thứ nhất, đúng là hiện nay chương trình học đôi chỗ còn quá nặng, đúng là học sinh ngày nay đôi khi chỉ chăm chăm học chỉ vì điểm số, vì mục đích vào đại học. Nhưng không thể vì thế mà đi ngược lại xu hướng chung của thế giới là dạy ít toán, lý, hoá hay văn đi. Thứ hai, rất nhiều học sinh, kể cả ở thành phố lớn, không phải mải miết chạy đua với các lớp học thêm đến tối mịt mà học vẫn hiệu quả, vẫn có thời gian nghỉ ngơi, đi chơi, giúp đỡ gia đình. Thứ ba, các kĩ năng như nấu ăn, cắm hoa, khâu vá, hay sửa chữa đồ điện vẫn được dạy trong chương trình phổ thông từ hàng năm nay. Nếu các tiết học đó không có ích phải chăng vì tự bản thân học sinh và gia đình cho rằng chúng không cần thiết phải học? Tóm lại, cháu cho rằng: trước khi có được một nội dung và phương pháp giáo dục hoàn hảo ở nước ta, có lẽ bản thân mỗi học sinh nên tự xác định mục tiêu rõ ràng cho vịêc học và cách học đúng đắn nhất cho mình, thay vì học nhiều "cho bằng bạn bằng bè". Và có lẽ, các gia đình cũng cần xác định đúng đắn kì vọng đặt vào con em mình, bởi có rất nhiều học sinh cảm thấy "ngập" trong vịêc học, phần lớn do áp lực quá lớn của chính gia đình và của chính bản thân họ.

    Ho ten: Nguyễn Hoàng
    Dia chi: THPTNa Hang
    Email: hoanghguyen@mail.com

    Tôi đồng ý với quan điểm của anh Tiến về việc nên xác định lại khối lượng kiến thức cho học sinh phổ thông . Tôi cũng nghĩ răng ở bậc học Phổ thông cần chú trọng dạy làm người hơn . Không phân biệt môn chính, phụ , chú trọng trang bị cho học sinh những kiến thức để làm người , kiến thức cần cho tương lai , nghề nghiệp của các em nên dành cho bậc Đại học , Cao đẳng . Trong các trường học của ta hiện bắt học sinh học nhiều thứ quá , nhiều môn học kiến thức hàn lâm quá . Các em buộc phải học nhiều thứ mà các em không có năng khiếu , không ham thích , trong khi các môn dạy làm người lại qua ít ,do vậy chất lượng giáo dục thấp , đạo đức học sinh xuống cấp nghiêm trọng .Dạy làm người tất nhiên là không dễ , nhưng vẫn phải dạy các em sống như thế nào cho phù hợp với các chuẩn mực đạo đức của dân tộc ,khi trở thành Công dân các em phải biêt và làm được các công việc tối thiểu để tự chăm sóc bản thân mình , gia đình mình . Tất nhiên giáo dục làm người là trách nhiệm của cả xã hội nhưng nhà trường phải giữ vai trò then chôt trong việc hình thành nhân cách con người cho học sịnh . Giáo dục làm người không bó gọn trong sách giáo khoa , trong bài giảng mà được thực hiện trong mọi hoạt động của học sinh trong nhà trường , không nên bắt các em phải thuộc lòng các bài học mà nên làm cho các em hiểu và tự tìm hiểu , không nặng nề về đánh giá , kiểm tra , cho điểm. Còn nội dung kiến thức văn hoá ở phổ thông hên dạy học sinh đến mức độ nào , đòi hỏi các em phải thông thạo đến đâu ? là việc phải xác định cho thật đúng . Việc các em phải học bao nhiêu năm mới hết bậc phổ thông sẽ tuỳ thuộc vào việc xác định chương trình học , môn học .

    Ho ten: Trần Trung Dũng
    Dia chi: Hà Nội
    Email: dungha2000@vnn.vn

    Tôi nhất trí với anh Tiến và các bạn về trương trình cải cách giáo dục của Việt Nam quá nặng nề. Chúng ta bàn rất nhiều về cải cách giáo dục trong suốt hơn 20 năm. Tuy nhiên, tôi tự thấy cải cách giáo dục như một con thuyền không bến. Tôi không bàn về chương trình học cụ thể. Tôi chỉ muốn đưa ra một câu hỏi để chúng ta và các nhà hoạch định chính sách giáo dục cùng thảo luận:"mục đích giáo dục phổ thông trong suốt 12 năm là gì?"

    Ho ten: Tô Xuân Trường
    Dia chi: Hà Nội
    Email: xuantruong_011189@yahoo.com

    Cháu hiện đang là sv ĐH năm 1,vừa trải qua kì thi ĐH nên cháu rất hiểu.Kiến thức của 12 năm PT là rất cơ bản, cần thiết nhưng có một số môn lại "dư thừa" về mặt lý thuyết và "thiếu hụt" về mặt thực tiễn.Học sinh phổ thông không đc đào tạo để làm,để áp dụng mà chỉ đc đào tạo để biết một cách thụ động.VD như môn Tiếng Anh. Ở thành phố,học TA 12 năm học nhưng ra ngoài xã hội gặp người nước ngoài hỏi đường cũng không biết cách trả lời. Đó là một tổn thất rất lớn cho đất nước. Mỗi năm chính phủ chi hàng nghìn tỉ đồng cho GD phổ thông nhưng kết quả không được là bao nhiêu.Khối lượng kiến thức lại quá lớn, giờ học trên lớp không đủ để học sinh hiểu hết các dạng bài,nên bắt buộc phải đi học thêm. Tình trạng đầu vào ĐH quá thắt chặt,đầu ra lại dễ dãi ,nên chất lượng không sinh viên ra trường có trình độ chuyên môn không cao nhiều. Vì vậy, nền GD của chúng ta phải đổi mới rất nhiều mới có thể bắt kịp thế giới.Học như bây giờ,chỉ một số ít người mới có thể vào ĐH, mà định kiến ở người dân Việt Nam là "ĐH là đường duy nhất để vào đời"chưa thể rũ bỏ, nên đó cũng là một phần áp lực mà xã hội vô tình tạo ra cho con em mình.

    Ho ten: Lan Phương
    Dia chi: Hà Nội, Việt Nam
    Email: huyentth@yahoo.com

    Tôi nghĩ anh Tiến có cái tâm đến nền giáo dục là tốt. Và còn dành cả thời gian quý báu để soạn thảo đề án thì càng quý. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng anh cần nghiên cứu thêm chương trình đào tạo ở những nước tiên tiến. Ví dụ như ở Mỹ, họ đã đào tạo những gì để giúp học sinh có thể tự tin chất vất Tổng thống? Phải chăng chỉ là bổ sung thêm vài kiến thức xã hội mà đủ. Vấn đề là phương pháp đào tạo là rất quan trọng. Và đề án chắc đang còn bổ sung thêm!!! Còn vấn đề các chương trình đào tạo khắp thế giới này, học sinh phải tập làm văn, tập giải những bài toán mà cả thế giới đều biết kết quả từ lâu là ĐỂ RÈN LUYỆN TƯ DUY, CÁCH SUY NGHĨ, CÁCH GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ, TRAU DỒI VĂN HOÁ, NGÔN NGỮ. Sao lại có thể nói rằng: học những thứ này là mất thời gian, vô bổ? Đan lát, thêu thùa, nữ công gia chánh, sửa điện sửa nước thay cho các kiến thức khoa học thì có thể sẽ tạo ra được những thợ thủ công, thợ kỹ thuật chứ không phải những người có thể giải quyết được, hiểu được các vấn đề KH-KT, VH-XH đương thời. Điều này thì những nhà giáo dục Việt Nam cũng rất rõ, không cần phải bàn! Tóm lại là ý tưởng cải cách thì tốt nhưng còn rất nhiều điểm không phù hợp, và còn rất nông cạn, thiếu kiến thức chuyên sâu về tổ chức, quản lý giáo dục.

    Ho ten: nguyễn lê nhã khanh
    Dia chi: kon tum
    Email: maimaimottinhyeu_190291@yahoo.com.vn

    Cháu đang là học sinh lớp 11 nên giáo dục là vấn đề quan tâm hàng đầu. Cháu công nhận những ý tưởng cải cách của chú là táo bạo và có phần thiết thực . Hãy thử nghĩ chỉ cầm trên tay 2 cuốn vật lí và hoá học 11 nâng cao mà nặng cả tay, nhưng liệu học sinh nào có thể nhồi nhét toàn bộ kiến thức ấy vào đầu, và liệu học xong chúng ta có thể áp dụng được ít nhiều trong cuộc sống. Ngành giáo dục chúng ta quá coi trọng việc " Lấp đủ, lấp hết" dẫn đến sự thừa thãi. Cháu đồng ý cần phải giảm tải lượng kiến thức và học cách áp dụng chúng cho cuộc sống sau này. Nhưng việc đổi môn chính thành phụ và ngược lại thì cần xem xét thêm, bởi không phải ngẫu nhiên mà xã hội lại gọi chúng là những môn chính, và một đấ nước phát triển theo hướng công nghiệp thì không thể bỏ qua lượng kiến thức trong các bộ môn chính ấy. Cháu đã học 11 nên không thể chờ đến khi bộ giáo dục có những cải cách hợp lòng dân, bởi đó là chuyện xa vời. Cháu cũng đang tận hưởng từng ngày những " phát kiến, thí điểm " được coi là thiết thực của bộ giáo dục. và cũng đang chờ đợi những sai lầm họ nhìn nhận ra mỗi ngày để lấp dần

    Ho ten: Nguyễn Trọng Tín
    Dia chi: HCM
    Email: offlineforever@yahoo.com

    Tôi không nghĩ sẽ có người chỉ trích nền giáo dục nước ta như thế, tôi vừa tốt nghiệp đại học cũng như bao công dân khác, học hành dài ngoằn đến hơn 16 năm mà thấy kiến thức vẫn chưa đủ, tôi thấy chương trình phổ thông 12 năm như hiện nay là vừa để tạo ra những công dân có năng lực và kiến thức cho xã hội, chứ không phải tạo ra những công dân biết thay bóng đèn biết nấu ăn mà trong đầu rỗng tếch, thời buổi hội nhập kiến thức mới là điều quan trọng tiên quyết, tại sao lại có người dành cả 30 trang giấy để mong "cải tiến" nền giáo dục hiện nay.

    Ho ten: Lê Mạnh Tiến
    Dia chi: Nha Trang, Khánh Hoà

    Thay đổi chương trình học là một điều cần thiết và cấp bách. Theo đề án của ông Vũ Mạnh Tiến, ở phần cắt giảm: " rút ngắn từ 12 năm xuống còn 9 năm " là đi ngược với xu hướng chung của quốc tế. Tất cả các nước tiên tiến hiện nay đều có chương trình giáo dục phổ thông 12 năm. Việc giảm xuống còn 9 năm theo đề án sẽ góp phần hiệu quả việc ngăn chặn người Việt Nam theo học đại học ở các nước tiên tiến có chương trình 12 năm. Ví dụ như nhiều học bổng du học, hay các trường đại học nước ngoài đều có điều kiện tuyển sinh là đã có ít nhất 12 năm học trước bậc đại học. Vậy một học sinh có tài, muốn thi vào một trường nước ngoài danh tiếng, muốn đạt đưọc một học bổng toàn phần, có lẽ nên linh hoạt lưu ban 3 năm để thỏa mãn đủ điều kiện đặt ra. Những điều đề án đặt ra rất hay, rất đẹp, rất nhân văn, nhưng trong điều kiện đất nước còn nghèo thì là điều không tưởng. Ngồi cắm đầu cắm cổ giải một bài tóan, học thuộc lòng công thức hóa chỉ tốn giấy viết và calo. Nhưng việc dạy nấu ăn, dạy sữa xe máy để đạt đưọc thành quả, đòi hỏi đầu tư nhân lực và cơ sở đồng bộ. Chứ nếu dạy để gọi là có dạy, thì bản thân tôi cũng đã được học muối dưa cà năm lớp 6, sờ sờ ngắm ngắm động cơ 4 thì năm lớp 11, và chỉ thế thôi. Thật ra, việc học sinh bậc phổ thông học quá nặng không phải chỉ Việt Nam mới có. Ngay cả Trung Quốc, Hàn Quốc, hay Nhật Bản (các nước châu Á) đều có chuyện này.

    Ho ten: Nguyễn Thị Hoa
    Dia chi: 22/165 Cầu Giấy- Hà Nội
    Email: pickpocket_2010@yahoo.com

    Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của bạn đọc Nguyễn Thanh Tùng. Đành rằng, môi trường, gia đình, xã hội sẽ giáo dục con trẻ những kĩ năng cơ bản trog cuộc sống nhưng với xã hội hiện nay, tốc độ phát triển của kinh tế xã hội nhanh đến chóng mặt, nhiều ông bố bà mẹ cũng chỉ chăm chăm đi làm kiếm tiền, , liệu họ có quan tâm đến con cái nhiều như bạn nghĩ. Những kĩ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, tư duy hiệu quả, làm việc đồng đội hay nghệ thuật sống nhẽ ra các em phải được rèn từ nhỏ,nhưng bản thân tôi đến khi học đại học mới biết đến chúng. Mà ở trẻ chúng học nhiều thứ ở bên ngoài chứ không phải chỉ có con chữ, con số. Những đứa trẻ ở Nhật Bản cũng được dạy cách nấu ăn, giúp đỡ bố mẹ từ khi chỉ 4, 5 tuổi. Nhưng hiện tại ở nước ta thì sao? nhiều cô bé đến đại học hay đi lấy chồng cũng không biết nấu 1 bát canh ngon cho gia đình vì đã có người giúp việc... Còn về chuyện học Toán Lý Hoá và đi thi quóc gia quốc tế, chúng ta vẫn có thể làm tốt được, thậm chí hơn. Điều tôi muốn nói ở đây là các em có quyền chọn môn học ưa thích của mình, được phát huy tài năng, điểm mạnh của mình ngay sớm chứ không phải gia đình, xã hội quýêt định. Bản thân tôi học tốt toán cấp 3, thi đại học được 8,9 rồi sau 1 năm chẳng để làm gì... tôi cũng mong có 1 cuộc thi như anh Vũ Mạnh Tiến nói ở trên. Điều đó sẽ giúp cho Bộ Giáo Dục, nhà nước ta hiểu được những gì họ không trực tiếp thấy được, mà chỉ thi hành những điều họ nghĩ, áp dụng máy móc vào 1 nền giáo dục lạc hậu như hiện nay.

    Ho ten: Tâm Huế
    Email: hue_bio_edu@yahoo.com

    Cháu có một ý kiến nhỏ về vấn đề chú Tiến đề cập: chuyển môn chính thành phụ và môn phụ chuyển thành môn chính. Trước đây khi còn học phổ thông cháu đều rất thích học các môn phụ như: giáo dục công dân, kĩ thuật nông nghiệp, sức khỏe.... Nhưng không vì thế mà cháu không chú tâm học các môn toán, văn, ngoại ngữ. Các môn học đều bổ trợ cho nhau và rất thiết thực với học sinh. Điều quan trọng là làm thế nào giáo viên giúp học sinh nhận ra được vai trò quan trọng của các môn học và thích thú học các môn đó. Trong trường phổ thông cháu cũng đã được học thêu, đan, khâu vá và nấu một số món ăn thông qua các môn học. Học sinh nông thôn thì thường phải dành một khoảng thời gian để giúp gia đình trong công việc đồng áng hoặc những công việc khác ở nhà. Việc học cũng không quá áp lực như học sinh thành phố. Còn ở thành phố thì học sinh chỉ có nhiệm vụ là làm sao học cho thật tốt. Việc các em phải học thêm đến 9 - 10h tối là do các em muốn học, phải cố gắng "bằng bạn bằng bè". Vô tình chính các em và chính gia đình tạo áp lực cho các em và đẩy các em vào tình trạng "học ngày học đêm" như thế. Học nhiều chưa chắc đã là giỏi và học được nhiều. Điều quan trọng nhất là các em có phương pháp học tập đúng đắn, tích cực và chủ động, sáng tạo trong cách học.

    Ho ten: phạm nguyễn đăng bình
    Dia chi: công ty cổ phần sông đà 909, hà nội
    Email: dangbinh_py@yaoo.com

    Tôi không cười khi biết ý kiến của anh, nhưng không ủng hộ anh tuyệt đối. Anh nói đúng nhiều nhưng thật sự chưa phù hợp lắm với tình hình xã hội ta hiện nay. Thực tế, việc vận dụng lý thuyết đã học vào thực tế của học sinh chúng ta hiện nay còn quá kém, tôi nghĩ đó là do áp lực quá lớn, có bạn học sinh lớp 11 học giỏi nhất lớp, nhưng khi bảo vặn 1 ốc vít thì không làm được, hoặc đơn giản là khi xe đạp không thể đi được hay 1bóng điện cháy thì chỉ biết đưa ra ý kiến là gọi thợ sữa chữa chứ không biết khắc phục thế nào.Tóm lại là giáo dục chúng ta cần cải cách nhiều nhiều nữa.tôi hi vọng đề tài của anh sẽ được ghi nhận trong việc thực hiện cải cách giáo dục hiện nay.

    Ho ten: nguyễn huyền trang
    Email: love_kangta25...

    Em đang là học sinh lớp 13 và cũng có 1 cô em gái hiện nay đang học lớp 6. Con anh không có thời gian để nghỉ ngơi, về quê thăm ông bà mà chỉ mải lo học để giỏi làm văn, làm toán. Nhưng học sinh cấp 2 không phải ai cũng thế đâu ạ! Có thể là ở thành thị , học sinh phải học chính nhiều , học thêm nhiều , đến 9,10h tối nhưng ở những nơi không phát triển lắm thì chỉ đi học chính 1 buổi , học thêm 3-5 buổi trong tuần. Việc phân ra 12 lớp học là dựa vào khả năng tư duy, học hỏi của trẻ em. Nếu bây giờ dồn lại trong 9 năm học thì e rằng các em sẽ không thể hiểu kịp. Những bài toán hiện nay tất cả các em học sinh đang học và đang làm, đều phù hợp với khả năng tư duy của các em, giúp các em thông minh hơn, biết tìm tòi sáng tạo kiểu giải khác nhau , chứ không phải là những bài toán vô ích. Anh hãy giải thích cho con bác hiểu rằng, học không phải là tất cả, mà tiếp xúc với gia đình, xã hội mới là môn học khó nhất, đòi hỏi chúng ta phải nhanh nhẹn, chân thành.

    Ho ten: Đào Nhật Minh
    Dia chi: Phường 17, Gò Vấp, TP HCM
    Email: nhatminh1965@yahoo.com
    Tieu de: Tôi nhất trí một nửa với Tác giả

    Tôi cũng đang có 2 con đang học phổ thông, con gái lớp 8 và con trai lớp 1.Tôi nhất trí một nửa với nội dung mà anh Vũ Mạnh Tiến nêu ra. Đó là mong muốn con mình học xong phổ thông (cũng là lúc bước vào độ tuổi lao động) cần phải có những kỹ năng sống cơ bản: làm được những việc tối thiểu như nấu ăn, sửa chữa xe, đồ điện, xử lý các tình huống nảy sinh, biết sống chan hoà với mọi người xung quanh,... Vì thế, tôi nhất trí với anh Tiến là cần phải tinh giản nội dung giáo dục phổ thông hiện nay và thêm vào những môn học cần thiết khác. Tuy nhiên, ngày nay học sinh phổ thông đang sống trong môi trường xã hội thông tin mở, toàn cầu hoá nên ta không thể giáo dục khác với thế giới đang làm. Cần phải dạy cho học sinh những gì cần thiết để có thể tự tin hoà nhập với thế giới (trước hết là ngoại ngữ và các hiểu biết cơ bản về các thành tựu khoa học kỹ thuật, văn hoá, lịch sử nhân loại...). Vì thế, tôi đề nghị là vẫn giữ 12 năm học phổ thông như hiện nay, nhưng phải sửa đổi, cải cách ngay nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy,... của bậc học phổ thông. Tôi mong quí báo và quí vị bạn đọc có thêm ý kiến về vấn đề này, ngõ hầu giúp cho con em chúng ta được hưởng nền giáo dục toàn diện và hiệu quả hơn. Xin cảm ơn.

    Ho ten: hiêunhung
    Dia chi: Hà Tây
    Email: annaphan82.tranphan@.gmail.com

    Có thể không phải tất cả mọi người đồng tình với anh nhưng cũng không ít người quan tâm đâu.Tôi không có trình độ như anh. Tôi chỉ là một người nội trợ đơn thuần, nhưng tôi rất quan tâm đến việc học hành của các con tôi.Tôi rất ủng hộ anh trong việc giảm tải này.Tôi có 2con .Một cháu năm nay đang học đại học nhưng cháu chỉ giỏi toán, lý, hóa các môn mà giúp cháu thi đỗ đại học, còn các môn như sử, địa nói chung là các môn xã hội thì hầu như là chỉ cố cho không bị điểm dưới trung bình thât đáng buồn tất nhiên tôi không đổ lỗi cho nhà trường vì rất nhiều cháu học giỏi tất cả các môn.Còn con gái tôi năm nay mới học lớp hai ở trường đã học cả ngày tối về lại phải học đến 9h tối mối hết bài cháu không còn thời gian để chơi nữa thật dáng buồn phải không anh?

    Ho ten: Nguyễn Thanh Tùng
    Dia chi: Tokyo,Japan
    Email: ttung4386@...

    Tôi đọc bài của anh mà thấy rất buồn cười. Chương trình phổ thông là những điều rất cơ bản. Có chăng do áp lực nào đó mà con anh và anh mới cực đoan như vậy. Thử hỏi chương trình như anh đề xuất mà áp dụng thì lấy ai nghiên cứu khoa học, lấy ai đại diện VN đi thi Quốc tế? Những cái anh đề xuất là những kĩ năng cơ bản trong cuộc sống. Cái đó thì chính môi trường, gia đình, xã hội sẽ giáo dục con trẻ. Nhà trường chỉ định hướng. Chẳng qua cách dạy và giáo trình của ta quá dở, làm học sinh không hứng thú.

    school@net (Theo http://vietnamnet.vn/giaoduc/2008/01/765649/)



     Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


    Những bài viết khác:



    Lên đầu trang

     
    CÔNG TY CÔNG NGHỆ TIN HỌC NHÀ TRƯỜNG
     
    Phòng 804 - Nhà 17T1 - Khu Trung Hoà Nhân Chính - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
    Phone: 024.62511017 - 024.62511081
    Email: kinhdoanh@schoolnet.vn


    Bản quyền thông tin trên trang điện tử này thuộc về công ty School@net
    Ghi rõ nguồn www.vnschool.net khi bạn phát hành lại thông tin từ website này
    Site xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.