Hotline: 024.62511017

024.62511081

  Trang chủ   Sản phẩm   Phần mềm Dành cho nhà trường   Phần mềm Hỗ trợ học tập   Kho phần mềm   Liên hệ   Đăng nhập | Đăng ký

Tìm kiếm

School@net
 
Xem bài viết theo các chủ đề hiện có
  • Hoạt động của công ty (727 bài viết)
  • Hỗ trợ khách hàng (494 bài viết)
  • Thông tin tuyển dụng (57 bài viết)
  • Thông tin khuyến mại (81 bài viết)
  • Sản phẩm mới (218 bài viết)
  • Dành cho Giáo viên (552 bài viết)
  • Lập trình Scratch (3 bài viết)
  • Mô hình & Giải pháp (155 bài viết)
  • IQB và mô hình Ngân hàng đề kiểm tra (126 bài viết)
  • TKB và bài toán xếp Thời khóa biểu (242 bài viết)
  • Học tiếng Việt (182 bài viết)
  • Download - Archive- Update (289 bài viết)
  • Các Website hữu ích (71 bài viết)
  • Cùng Học (98 bài viết)
  • Learning Math: Tin học hỗ trợ học Toán trong nhà trường (74 bài viết)
  • School@net 15 năm (153 bài viết)
  • Mỗi ngày một phần mềm (7 bài viết)
  • Dành cho cha mẹ học sinh (123 bài viết)
  • Khám phá phần mềm (122 bài viết)
  • GeoMath: Giải pháp hỗ trợ học dạy môn Toán trong trường phổ thông (36 bài viết)
  • Phần mềm cho em (13 bài viết)
  • ĐỐ VUI - THƯ GIÃN (360 bài viết)
  • Các vấn đề giáo dục (1209 bài viết)
  • Bài học trực tuyến (1033 bài viết)
  • Hoàng Sa - Trường Sa (17 bài viết)
  • Vui học đường (276 bài viết)
  • Tin học và Toán học (220 bài viết)
  • Truyện cổ tích - Truyện thiếu nhi (181 bài viết)
  • Việt Nam - 4000 năm lịch sử (97 bài viết)
  • Xem toàn bộ bài viết (8222 bài viết)
  •  
    Đăng nhập/Đăng ký
    Bí danh
    Mật khẩu
    Mã kiểm traMã kiểm tra
    Lặp lại mã kiểm tra
    Ghi nhớ
     
    Quên mật khẩu | Đăng ký mới
    
     
    Giỏ hàng

    Xem giỏ hàng


    Giỏ hàng chưa có sản phẩm

     
    Bản đồ lưu lượng truy cập website
    Locations of visitors to this page
     
    Thành viên có mặt
    Khách: 9
    Thành viên: 0
    Tổng cộng: 9
     
    Số người truy cập
    Hiện đã có 93341022 lượt người đến thăm trang Web của chúng tôi.

    Công nghệ thông tin và sự phát triển Giáo dục

    Ngày gửi bài: 15/04/2006
    Số lượt đọc: 4707

    Bùi Việt Hà
    Giám đốc công ty School@net

    1. Sự phát triển của các hình thái lớp học
    Nếu quan sát việc “HỌC” và “DẠY” qua chiều dài lịch sử chúng ta sẽ thấy rõ xã hội đương đại đã trải qua 2 thời kỳ trạng thái lớp học và đang trong giai đoạn phát triển thứ ba của mình. Chúng ta hãy điểm qua các trạng thái lớp học chính trong quá khứ để hiểu rõ hơn qui luật phát triển này của mô hình HỌC TẬP, đó là các hình thái lớp học kiểu “THÀY ĐỒ” và lớp học kiểu “BẢNG ĐEN”.

    Lớp học “THÀY ĐỒ”
    Hình thái lớp học kiểu “THÀY ĐỒ” được đặc trưng bởi các nhu cầu đơn giản và sơ khai về học tập. Trong mô hình này, thông thường một “thầy” sẽ dạy trực tiếp một (hoặc một vài) “trò” theo các chưong trình chưa hoặc không thật bài bản. Trong mô hình lớp học kiểu “THÀY ĐỒ” như vậy, các thầy sẽ định hướng cho mỗi trò một giáo án hay chương trình riêng và quan hệ tương tác thầy trò sẽ là trực tiếp, một-một, phát huy tối đa việc tiếp thu kiến thức từ phía học sinh và giảng dạy từ phía giáo viên.

    Lóp học “BẢNG ĐEN”
    Lớp học “BẢNG ĐEN” là hình thái lớp học điển hình của hiện tại mà tất cả chúng ta đã quen biết. Đó là mô hình lớp học cổ điển trong đó, một giáo viên lên lớp “giảng bài” cho một số đông học sinh ngồi nghe. Mô hình lớp học loại này đã tồn tại ở châu Âu hàng chục thế kỷ và tại Việt Nam hàng trăm năm nay. Mô hình này đã chứg tỏ tính uư việt hơn hẳn so với mô hình lớp học “THÀY ĐỒ” đã nêu trên. Với mô hình lớp học này, con người đã biến việc Giáo dục thành một công nghệ được chuẩn hóa, có hiệu năng cao và đã đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội từ nhiều thế kỷ nay. Trong mô hình lớp học kiểu “BẢNG ĐEN”, giáo viên sẽ chuẩn bị giáo án theo một chương trình đã định sẵn và chỉ việc lên lớp “thuyết trình” kiến thức đã chuẩn bị đó cho cùng một lúc nhiều học viên. Việc giao tiếp giữa thày và trò do giáo viên điều khiển và đã bị hạn chế nhiều do không đủ thời gian cho tất cả mọi học viên. Với sự phát triển của công nghệ, đã xuất hiện nhiều công cụ trợ giúp cho giáo viên giảng dạy trong lớp học kiểu “BẢNG ĐEN” (mô hình, mẫu vật, dụng cụ thí nghiệm, máy chiêu sáng, ...) tuy nhiên tất cả các công cụ này đều chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ tốt hơn cho công việc giảng dạy hay thuyết trình của giáo viên mà không thay đổi được bản chất của công nghệ dạy học.

    Lớp học với máy tính
    Trong thời đại CNTT và toàn cầu hóa hiện nay đã bắt đầu phát triển các hình thái lớp học “sau bảng đen”, là hình thái phát triển thứ ba của mô hình lớp học. Với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, các cuộc cách mạng đổi mới phương pháp giáo dục đã và đang xảy ra trên qui mô toàn thế giới. Có thể tóm tắt các đặc trưng cơ bản của mô hình lớp học mới này là:
    - Là một phát triển tự nhiên và kế thừa của mô hình lớp học “BẢNG ĐEN” đã tồn tại hàng trăm năm nay.
    - Có sự trợ giúp tích cực của máy vi tính đóng vai trò công cụ hỗ trợ cho quá trình HỌC và DẠY.
    - Và điều quan trọng nhất, với sự trợ giúp của công nghệ tin học, giáo viên có thể thay đổi, đổi mới phương pháp, công nghệ dạy học với mục đích cuối cùng là làm cho học sinh chủ động hơn, nắm kiến thức nhanh hơn, tốt hơn.
    Tóm lại hình thái phát triển theo xu thế hiện nay có thể đặt tên là “LỚP HỌC VỚI MÁY VI TÍNH”. Đây là mô hình lớp học hiện đại và tiên tiến nhất hiện nay, đã và đang được tất cả các quốc gia trên thế giới, nghiên cứu, thứ nghiệm theo nhiều phương thức và công nghệ khác nhau. Nhiệm vụ của bài viết này là chỉ ra một phần nào xu thế cũng như các ích lợi của mô hình lớp học mới này và khả năng áp dụng trên thực tế tại Việt Nam.

    2. Khủng hoảng giáo dục và vai trò của máy tính


    Thời gian gần đây, nhất là từ khi xuất hiện Internet, xuất hiện khái niệm Xã hội thông tin, nền Kinh tế trí thức, người ta đã nói rất nhiều đến Khủng hoảng giáo dục. Khủng hoảng giáo dục không chỉ diễn ra ở một vài nước riêng lẻ mà ở qui mô toàn thế giới. Việt Nam cũng không đứng ngoài tình trạng khủng hoảng này. Khủng hoảng giáo dục bắt nguồn từ một thực tế hiển nhiên rằng hệ thống giáo dục hiện tại không đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, nắm bắt kiến thức và kỹ năng công nghệ của công dân. Hệ thống giáo dục đã thực sự lạc hậu so với nhu cầu phát triển của xã hội. Có thể kể ra ở đây một vài yếu tố chính tác động và tạo thành sự khủng hoảng giáo dục này:
    - Nền kinh tế Hàng hóa, Sản xuất chuyển mạnh sang Dịch vụ.
    - Nền kinh tế từ chỗ phụ thuộc chính vào vốn (tiền) chuyển sang phụ thuộc vào tri thức và thông tin.
    - Các giao dịch dân sự xuất hiện ngày càng nhiều thông qua mạng và hệ thống liên kết điện tử.
    Các nguyên nhân trực tiếp của khủng hoảng giáo dục hiện nay
    - Khối lượng kiến thức quá lớn
    Thật vậy trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, có một qui luật bất thành văn mà tất cả mọi người đều thừa nhận, đó là khối lượng kiến thức của loài người cứ sau 6 tháng lại tăng gấp đôi. Khối lượng kiến thức khổng lồ như vậy của nhân loại tạo thành sức ép ghê gớm lên xã hội, lên các nhà trường và vì nó tăng trưởng quá nhanh như vậy tạo ra sự khủng hoảng và tụt hậu trong các nhà trường trên qui mô toàn cầu.
    - Yêu cầu kiến thức và kỹ năng làm việc tối thiểu ngày một cao
    Một khi khối lượng kiến thức chung của con người tăng lên, rõ ràng và tất nhiên nhu cầu kiến thức tối thiểu của xã hội cũng tăng lên nhanh chóng. Ngày nay để có thể làm việc tối thiểu trong các văn phòng, công sở, kiến thức tối thiểu về Tin học hay Ngoại ngữ là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả mọi người, điều mà cách đây 20 năm quả là một điều không thể tưởng tượng. Nhu cầu về kiến thức nâng cao sẽ đặt lại vai trò của nhà trường trong việc đào tạo các kiến thức tối thiểu này cho học sinh của mình.
    - Phương pháp giảng dạy và truyền đạt trong nhà trường không đổi mới phù hợp
    Như ta đã thấy, khối lượng kiến thức cần truyền đạt trong nhà trường đã tăng lên đáng kể trong thời đại thông tin Internet hiện nay. Tuy nhiên thời lượng giảng dạy, phương pháp giảng dạy trong các nhà trường lại không đổi mới kịp đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Một trong những đặc thù cơ bản nhất của phương pháp truyền đạt kiến thức kiểu “BẢNG ĐEN” là kiến thức được truyền đạt từ giáo viên trực tiếp đến nhiều học sinh cùng một lúc trong lớp học. Với phương pháp này các yếu tố đặc thù sau tạo thành các hạn chế cơ bản:
    (1) Vị trí, địa điểm học tập phải phù hợp với điều kiện và yêu cầu giảng dạy môn học.
    (2) Tốc độ truyền đạt kiến thức không thể nhanh vì giáo viên sẽ phải chú ý đến khả năng tiếp thu của học sinh yếu nhất lớp học.
    (3) Giáo viên không thể thỏa mãn yêu cầu tìm hiểu kiến thức của tất cả học sinh trong lớp học, đặc biệt là một số học sinh giỏi hoặc học sinh cá biệt.
    (4) Thời gian học tập bắt buộc cho tất cả học sinh trong lớp học, không cho phép mỗi học sinh học theo ý muốn cá nhân.
    (5) Lớp học tập trung tại một ví trí, học sinh bắt buộc phải có mặt tại lớp học.
    - Giáo viên thiếu kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ giảng dạy mới
    Một trong những nguyên nhân chính và trực tiếp của tình trạng khủng hoảng giáo dục hiện nay là tình trạng hẫng hụt kiến thức và phương pháp giảng dạy phù hợp của đội ngũ giáo viên. Giáo viên thường là những người tuổi cao đã không thay đổi kịp với tiến trình phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và trở thành lạc hậu. Để bù lại, bằng các phương pháp giảng dạy cổ điển các giáo viên này đã phải dùng cách dạy “nhồi vịt” nhằm lấp đầy kiến thức cần dạy vào đầu học sinh. Kết quả của tình trạng này thì ai cũng biết, chất lượng đầu ra của học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
    - Thiếu các phương tiện công cụ và công nghệ giảng dạy mới phù hợp
    Công nghệ giáo dục mới và phương tiện giảng dạy sẽ đóng vai trò rất lớn trong mô hình lớp học hiện đại. Thiếu vắng các phương tiện này (ví dụ các mô hình, thí nghiệm, tranh, phim, ...) sẽ làm hạn chế đáng kể hiệu suất giảng dạy trong các lớp học.
    - Mô hình lớp học cũ không đáp ứng nhu cầu phát triển mới của xã hội
    Kết luận lại, mô hình lớp học kiểu “BẢNG ĐEN” hiện tại đã trở thành lạc hậu và không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội trong thời đại thông tin mới.
    Để giải quyết cuộc khủng hoảng giáo dục hiện nay có 2 cách giải quyết sau:
    1. Tìm kiếm và thay đổi phương pháp giảng dạy mới phù hợp hơn với nhu cầu và môi trường giáo dục hiện đại. Định hướng chung của các phương pháp giảng dạy mới là chuyển từ mô hình “BẢNG ĐEN” với vai trò độc diễn của giáo viên sang mô hình “CỘNG TÁC” thân thiện giữa giáo viên và học sinh với sự trợ giúp đắc lực của máy tính và phần mềm giáo dục.
    Chú ý: Trong nhiều tài liệu nghiên cứu, nhiều tác giả đã viết về việc đổi mới này là chuyển từ mô hình lấy “GIÁO VIÊN LÀM TRUNG TÂM” sang mô hình lấy “HỌC SINH LÀM TRUNG TÂM”. Theo chúng tôi cách diễn đạt này là sai và không chính xác. Từ việc hiểu sai bản chất này dẫn đến rất nhiều cái sai khác hiện đang diễn ra trong các nhà trường của Việt Nam chúng ta. Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều lớp học theo mô hình đổi mới giáo dục trong đó nhà trường và giáo viên đều hiểu rằng trong lớp học đổi mới này, giáo viên chỉ đưa ra các “gợi ý” còn toàn bộ việc lĩnh hội kiến thức và kết luận dành cho học sinh chủ động đưa ra. Họ lý luận rằng làm như vậy thì mới thực sự lấy “học sinh làm trung tâm” của lớp học. Cách dạy học như vậy theo chúng tôi, thậm chí, là hoàn toàn Phản giáo dục.
    2. Tăng cường vai trò của các công cụ hỗ trợ giảng dạy, trong đó đặc biệt chú ý đến vai trò của máy tính trong lớp học mới.

    Máy tính đóng vai trò giải quyết khủng hoảng giáo dục
    Như vậy máy tính và phần mềm máy tính đóng vai trò trung tâm và rất quan trọng để giải quyết các khủng hoảng giáo dục hiện nay. Vì sao máy tính lại đóng vai trò quan trọng như vậy? Vì sao phần mềm máy tính có thể góp phần giải quyết khủng hoảng giáo dục?
    Trong mục này chúng tôi chỉ nêu ra một số tính năng quan trọng mà phần mềm máy tính có thể làm được và các tính năng này là rất cần thiết trong mô hình đổi mới giáo dục hiện nay.
    - Học mọi nơi, mọi lúc.
    - Linh hoạt, thích ứng cho mọi cá nhân, cho người giỏi cũng như cho học sinh cá biệt.
    - Học sinh chủ động tương tác với chương trình, kiến thức thông qua việc hội thoại với phần mềm.
    - Với máy tính, học sinh có thể được học tất cả các loại kiến thức, kỹ năng cần có theo yêu cầu mà trên lớp học thực tế không thể đáp ứng nổi.
    - Hình ảnh đẹp, âm thanh sống động, mô phỏng các hiện tượng tự nhiên chính xác tạo cảm giác học tập chủ động, hấp dẫn, dễ dàng tiếp thu kiến thức.
    - Không cần học thuộc lòng, có thể tra cứu thông tin nhanh và rộng lớn.
    - Có khả năng trao đổi kiến thức với bạn học hoặc với giáo viên không hạn chế không gian và thời gian.
    - Máy tính đánh giá kiến thức rất công bằng và sáng suốt.
    - Máy tính hỗ trợ giáo viên giảng bài.
    - Giảm chi phí học tập vì học sinh không cần học tập trung.
    Tất nhiên tất cả các tính năng quan trọng như đã nêu trên của máy tính và phần mềm không tự nhiên có. Các phần mềm này suy cho cùng cũng do con người tạo ra và do con người sử dụng. Không phải bao giờ con người cũng phát huy được hết các tính năng ưu việt này. Tuy nhiên con người vẫn tin tưởng vào tương lai và sức mạnh mà máy tính và phần mềm có thể mang lại cho con người.

    3. Vai trò của phần mềm giáo dục


    Trước khi tìm hiểu kỹ về phần mềm giáo dục chúng ta phải cùng nhau thống nhất các quan niệm cơ bản về vai trò của phần mềm giáo dục.



    Nhiệm vụ trung tâm cơ bản nhất của mọi nền giáo dục là truyền đạt kiến thức cho học sinh. Kiến thức được giáo viên lĩnh hội trước và đã nằm trong đầu của giáo viên trước khi dạy. Nhiệm vụ chính của giáo viên là truyền tải các kiến thức này sang đầu của học sinh, bằng phương tiện nào không quan trọng. Điều quan trọng nhất là kiến thức phải truyền tải được.
    Giáo viên có nhiệm vụ truyền đạt kiến thức và được phép sử dụng bất cứ hình thức và loại phương tiện nào có thể được để đạt được mục đích của mình. Phương tiện sử dụng có thể là bảng đen, phấn, thước kẻ, các dụng cụ thí nghiệm, các vật mẫu. Như vậy các phương tiện được giáo viên sử dụng đóng vai trò như một phương tiện trợ giúp giáo viên giảng dạy hay còn có tên gọi là thiết bị giáo dục.
    Ngoài chức năng phương tiện hỗ trợ giảng dạy, phần mềm còn có thể đóng các vai trò quan trọng khác nữa trong quá trình giảng dạy, truyền đạt kiến thức như sách giáo khoa, giáo viên hướng dẫn, quản lý giảng dạy, đánh giá kiến thức, ... Tuy nhiên trong khuôn khổ của bài học này chúng ta sẽ chủ yếu nhắc đến vai trò như một phương tiện hỗ trợ giảng dạy của giáo viên của phần mềm giáo dục. Đây là một trong những định hướng chính của các phần mềm giáo dục trên thế giới cũng như Việt Nam.

    4. Phân loại phần mềm giáo dục


    Việc phân loại phần mềm giáo dục không dễ dàng và có lẽ không ai có thể phân loại được các phần mềm giáo dục. Ở đây chúng tôi chỉ đề ra một vài tiêu chí tiêu biểu để người dùng có thể nhận biết và phân loại được các phần mềm này theo các tiêu chí mà họ quan tâm.

    Các tiêu chí phân loại phần mềm giáo dục
    Có thể liệt kê một vài tiêu chí phân loại phần mềm như sau:
    1- Phân loại theo đối tượng sử dụng
    Theo tiêu chí này, phần mềm giáo dục sẽ được phân loại theo kiểu, số lượng và loại người dùng. Người dùng phần mềm có thể là học sinh, giáo viên hoặc cha mẹ phụ huynh học sinh sử dụng phần mềm. Người dùng cũng có thể phân loại theo số lượng: phần mềm dùng cho 1 người (single user) hoặc một nhóm người (group users).
    Sau đây là một vài mô tả cụ thể:
    - Phần mềm dành cho học sinh (single student user)



    Với loại phần mềm này người dùng sẽ chỉ là 1 user cụ thể. Phần mềm sẽ có các chức năng thể hiện lần lượt các bài học theo một chủ đề hay chương trình cụ thể nào đó. Người dùng (thường là một học viên cụ thể) sẽ lần lượt thực hiện theo sự hướng dẫn của phần mềm để “học” các kiến thức của các bài học theo một trật tự nhất định. Sau mỗi bài học thường sẽ có phần tự kiểm tra và đánh giá.
    - Phần mềm dành cho giáo viên (single teacher user)



    Phần mềm loại này sẽ bao gồm toàn bộ hay từng phần của các bài giảng dành cho giáo viên. Thông thường phần mềm sẽ đưa vào các thư liệu bổ sung cho sách giáo khoa như tranh, ảnh, âm thanh, thí nghiệm ảo. Các thư liệu này sẽ hỗ trợ giáo viên trong quá trình giảng dạy trên lớp học. Phần mềm cũng có thể có khả năng lưu trữ ngân hàng câu hỏi kiến thức giúp giáo viên dễ dàng tạo ra các đề kiểm tra cho học sinh.
    - Phần mềm dành cho lớp học trực tuyến (online learning - multiple user)



    Các phần mềm loại này thường được xây dựng trên nền tảng Web cho phép nhiều người cùng truy nhập phần mềm. Với những mô hình lớp học trực tuyến (Online) hoặc không trực tuyến (Offline) khác nhau, giáo viên với sự trợ giúp của phần mềm có thể điều khiển, theo rõi quá trình học tập của cả lớp học. Mô hình phần mềm và lớp học trực tuyến hiện đang được rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới thử nghiệm.

    2- Phân loại theo mô hình và chức năng giáo dục
    Với tiêu chí này, phần mềm có thể được phân loại theo các chức năng giáo dục như sau:
    - Phần mềm dùng để tự học theo một chủ đề cụ thể nào đó. Loại phần mềm kiểu này hiện có khá nhiều trên thị trường phần mềm thế giới.
    - Phần mềm công cụ chuyên dụng dành cho giáo viên và học sinh dùng để thiết kế các thí nghiệm ảo hoặc thiết lập các bài giảng điện tử dùng để giảng dạy trên lớp với sự trợ giúp của máy tính.
    - Phần mềm có chức năng chính là thiết lập và quản lý lớp học ảo trực tuyến trên mạng máy tính.

    3- Phân loại Công cụ -- Nội dung
    Theo tiêu chí này, phần mềm được phân loại theo cách nó tạo ra nội dung hỗ trợ giáo dục. Phân biệt 2 loại phần mềm chính:
    - Phần mềm công cụ: các phần mềm này không trực tiếp cung cấp nội dung cho bài học, bài giảng cụ thể. Phần mềm chỉ cung cấp các công cụ làm việc mà thôi. Với các công cụ này, người dùng sẽ tự tạo ra nội dung cụ thể cho bản thân mình.
    Các phần mềm điển hình loại này như:
    Phần mềm PowerPoint - công cụ thiết kế các trình diễn dùng làm bài giảng điện tử rất tiện lợi.



    Phần mềm Cabri Geometry, Geometer’s Sketchpad - công cụ vẽ các hình minh họa hình học động sử dụng rất tốt cho các bài giảng Toán học đặc biệt là Hình học.



    Phần mềm Crocodile Physics, Crocodile Chemistry là các phần mềm công cụ cho phép kiến tạo các thí nghiệm vật lý và hóa học ảo ngay trên máy tính. Bộ phần mềm này được dùng rất rộng rãi tại nước Mỹ.



    - Phần mềm nội dung: các phần mềm cung cấp sẵn nội dung cụ thể cho người dùng. Với các phần mềm loại này, người dùng không cần kiến tạo nội dung mà phải sử dụng nội dung có sẵn để làm việc. Ví dụ điển hình của các phần mềm loại này là Sách điện tử, các mô phỏng thí nghiệm có sẵn, các phần mềm từ điển, tra cứu, kho tư liệu ảnh, phim, ....



    Color Math, phần mềm nội dung điển hình của công ty School@net: phần mềm tạo ra các phép toán theo đúng chương trình Toán Tiểu học cho học sinh luyện tập. Cửa sổ trên cho ta hình ảnh của phép toán cộng có nhớ trong phạm vi 100.
    Trên thực tế, một số phần mềm vừa là công cụ vừa kèm theo nội dung.


    Phần mềm Crocodile Physics đi kèm một số lượng lớn các bài giảng và thí nghiệm vật lý có sẵn.

    4- Phân loại Công cụ chung -- Công cụ đặc thù
    Với các phần mềm Công cụ, chúng ta có một tiêu chí quan trọng để phân loại chi tiết các phần mềm này. Có thể phân chia thành 2 nhóm phần mềm công cụ chính:
    - Phần mềm Công cụ chung: đó là các phần mềm công cụ không mang đặc thù của bất kỳ môn học nào. Các phần mềm này về nguyên tắc có thể tạo ra nội dung theo mọi chuyên ngành và môn học. Một số phần mềm công cụ nổi tiếng loại này như Microsoft PowerPoint dùng để tạo bài giảng điện tử, phần mềm Macromedia Flash dùng để tạo các tệp phim và animation dùng để mô phỏng chuyển động.


    Macromedia Flash - phần mềm kiến tạo tranh chuyển động (animation) nổi tiếng nhất hiện nay.

    Các phần mềm công cụ chung thông thường được nhiều người sử dụng để tạo các nội dung hoặc bài giảng không đặc thù riêng cho một chuyên ngành kỹ thuật hẹp nào.
    - Các phần mềm công cụ chuyên dụng: đó là các phần mềm công cụ chuyên dùng để thiết kế các mô phỏng hoặc bài giảng đặc thù riêng cho một môn học hoặc một chuyên ngành nhất định. Các phần mềm công cụ chuyên dụng đòi hỏi kiến thức rất sâu về một chuyên ngành hẹp nào đó do vậy thường chỉ được dùng trong một phạm vi không rộng rãi như các phần mềm công cụ chung.




    Phần mềm MathType chuyên dùng để vẽ các ký hiệu Toán học dùng trong các văn bản Text.

    5- Phân loại theo qui mô của mô phỏng thí nghiệm
    Phần mềm mô phỏng thực tế, thí nghiệm ảo, mô phỏng các quá trình thực tế trong phòng thí nghiệm đóng vai trò rất lớn trong mô hình đổi mới giáo dục. Trên thế giới đã xuất hiện khá nhiều phần mềm công cụ theo hướng này. Có thể liệt kê một số phần mềm theo hướng này:
    - Công ty Crocodile Clips với một loạt các phần mềm Physics, Chemistry, Technology cho phép thiết kế các thí nghiệm ảo của các môn học Vật lý, Hóa học hay Công nghệ.
    - Phần mềm Geometer’s Sketchpad (công ty Keypress) và Cabri Geometry (công ty Cabrilog) dùng để thiết kế các hình động môn hình học dùng cho học sinh THCS và THPT.
    - Các phần mềm Toán học nổi tiếng thế giới như Matematica, Maple, MathCad, MathLab.
    - Phần mềm Macromedia Flash cho phép thiết kế các video clips mô phỏng chuyển động. Phần mềm này thích hợp cho việc mô phỏng các hiện tượng vật lý, hóa học hoặc sinh học trên thực tế.

    6- Phân loại theo cách đóng gói và phát hành phần mềm
    Theo tiêu chí này phần mềm giáo dục có thể được phân loại theo cách nó đóng gói và phát hành trên thị trường. Có thể liệt kê các phân loại này như sau:
    - Phần mềm đóng gói trên CDROM dùng để chạy trên PC đơn lẻ hoặc trên mạng LAN (Client-Server).
    - Phần mềm được viết trên ngôn ngữ nào? Có thể chạy trên các hệ điều hành nào?
    - Phần mềm được chạy trên nền Web?
    - Cách cài đặt phần mềm, cách khóa, bảo mật và đăng ký bản quyền của phần mềm.

    5. Một số dạng phần mềm giáo dục thường gặp trên thế giới


    Phần mềm giáo dục trên thế giới rất đa dạng.
    Các phần mềm giáo dục nổi tiếng trên thế giới thường có một trong các dạng, kiểu sau đây:
    - Các phần mềm chuyên nghiệp và chuyên dụng cho một chuyên ngành hẹp nào đó dùng để mô phỏng thí nghiệm, mô phỏng thông tin kiến thức của môn học hiện thời. Phần lớn các phần mềm này thuộc loại phần mềm công cụ có chức năng thiết kế các mô phỏng ảo.
    Ví dụ: Geometer’s Sketchpad, Cabri Geometry, Euclid, Autograph, Crocodile Physics, Chemistry, Technology, Maple, MathLab, ....
    - Các phần mềm chuyên dụng để thiết kế và quản lý các ngân hàng đề kiểm tra và câu hỏi. Chức năng chính của các phần mềm loại này thường là cho phép khởi tạo các CSDL ngân hàng câu hỏi theo ma trận kiến thức đã tạo, nhập và lưu trữ các câu hỏi theo kiểu tự luận hoặc trắc nghiệm, tự động khởi tạo các đề kiểm tra từ ngân hàng câu hỏi đã nhập.
    - Các phần mềm chuyên dụng để kiến tạo và thiết lập các bài giảng điện tử (giáo án điện tử) dành riêng cho giáo viên. Các phần mềm này phần lớn hỗ trợ một số chuẩn của e-Learning đặc biệt là chuẩn SCORM hiện đang được khá nhiều quốc gia trên thế giới công nhận. Các phần mềm này về cơ bản có nhiều chức năng tương tự như phần mềm PowerPoint mà hiện đang được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên PowerPoint lại không phải là phần mềm chuyên giáo dục hỗ trợ chuẩn SCORM.
    - Nhóm các phần mềm nội dung, thường là sách điện tử hoặc các phần mềm có chức năng mô phỏng các bài học cụ thể dành cho người tự học. Nhóm phần mềm này rất đa dạng, có tất cả các dạng và các chuyên môn khác nhau. Tuy nhiên tập trung chủ yếu là các phần mềm học ngoại ngữ (ví dụ tiếng Anh các loại) và phần mềm của các công ty đào tạo Tin học lớn dùng để học theo các chương trình do công ty này tổ chức. Các công ty đào tạo lớn trên thế giới gồm có: Sisco System, IBM, Microsoft, các công ty đào tạo CNTT lớn của Ấn độ như APTECH, NIIT, ...

    6. Thuật ngữ E-Learning
    Gần đây trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, trong các tài liệu xuất bản quốc tế có nhắc đến rất nhiều cụm từ e-Learning. Vậy e-Learning là gì? e-Learning có liên quan gì đến khái niệm phần mềm giáo dục mà chúng ta đang nói đến ở đây hay không?
    Trước hết cần khẳng định ngay rằng e-Learning là một khái niệm không hoặc chưa có định nghĩa chính xác. Tùy thuộc vào các tác giả, từng quốc gia, từng hoàn cảnh có thể hiểu từ này theo các nghĩa khác nhau, tuy nhiên tất cả chúng đều phải liên quan đến giáo dục và phần mềm giáo dục. Tuy nhiên do vai trò của phần mềm giáo dục ngày càng tăng trong xã hội, khái niệm e-Learning ngày càng được nhắc đến nhiều hơn, được quan tâm hơn và được phát triển nhiều hơn với ý nghĩa như một chuẩn công nghiệp của công nghệ giáo dục mới.
    Nhắc đến e-Learning chúng ta có thể hiểu theo một trong các ý nghĩa sau:
    - Nếu hiểu theo nghĩa đen của từ này thì e-Learning là Electronic Learning hay Học tập điện tử, vậy e-Learning là từ chỉ tất cả các loại hình giáo dục đào tạo bằng, bởi hoặc có liên quan đến điện tử, tin học hoặc Internet.
    - e-Learning cũng có thể hiểu như một kiểu, trạng thái lớp học kiểu mới trong đó việc dạy và học có sự tham gia của máy tính, phần mềm hoặc Internet.
    - e-Learning cùng hay được dùng để chỉ một lớp các hệ thống trường học đào tạo hoàn toàn sử dụng công nghệ mới: công nghệ Internet. Trong đó sự vận hành của hệ thống lớp học, giáo viên, học viên, chương trình đều là “ảo”.
    - e-Learning cũng thường được hiểu như các chuẩn công nghệ mới cho các phần mềm giáo dục thế hệ mới.

    Bùi Việt Hà



     Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


    Những bài viết khác:



    Lên đầu trang

     
    CÔNG TY CÔNG NGHỆ TIN HỌC NHÀ TRƯỜNG
     
    Phòng 804 - Nhà 17T1 - Khu Trung Hoà Nhân Chính - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
    Phone: 024.62511017 - 024.62511081
    Email: kinhdoanh@schoolnet.vn


    Bản quyền thông tin trên trang điện tử này thuộc về công ty School@net
    Ghi rõ nguồn www.vnschool.net khi bạn phát hành lại thông tin từ website này
    Site xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.