Hotline: 024.62511017

024.62511081

  Trang chủ   Sản phẩm   Phần mềm Dành cho nhà trường   Phần mềm Hỗ trợ học tập   Kho phần mềm   Liên hệ   Đăng nhập | Đăng ký

Tìm kiếm

School@net
 
Xem bài viết theo các chủ đề hiện có
  • Hoạt động của công ty (727 bài viết)
  • Hỗ trợ khách hàng (494 bài viết)
  • Thông tin tuyển dụng (57 bài viết)
  • Thông tin khuyến mại (81 bài viết)
  • Sản phẩm mới (218 bài viết)
  • Dành cho Giáo viên (552 bài viết)
  • Lập trình Scratch (3 bài viết)
  • Mô hình & Giải pháp (155 bài viết)
  • IQB và mô hình Ngân hàng đề kiểm tra (126 bài viết)
  • TKB và bài toán xếp Thời khóa biểu (242 bài viết)
  • Học tiếng Việt (182 bài viết)
  • Download - Archive- Update (289 bài viết)
  • Các Website hữu ích (71 bài viết)
  • Cùng Học (98 bài viết)
  • Learning Math: Tin học hỗ trợ học Toán trong nhà trường (74 bài viết)
  • School@net 15 năm (153 bài viết)
  • Mỗi ngày một phần mềm (7 bài viết)
  • Dành cho cha mẹ học sinh (123 bài viết)
  • Khám phá phần mềm (122 bài viết)
  • GeoMath: Giải pháp hỗ trợ học dạy môn Toán trong trường phổ thông (36 bài viết)
  • Phần mềm cho em (13 bài viết)
  • ĐỐ VUI - THƯ GIÃN (360 bài viết)
  • Các vấn đề giáo dục (1209 bài viết)
  • Bài học trực tuyến (1033 bài viết)
  • Hoàng Sa - Trường Sa (17 bài viết)
  • Vui học đường (276 bài viết)
  • Tin học và Toán học (220 bài viết)
  • Truyện cổ tích - Truyện thiếu nhi (181 bài viết)
  • Việt Nam - 4000 năm lịch sử (97 bài viết)
  • Xem toàn bộ bài viết (8222 bài viết)
  •  
    Đăng nhập/Đăng ký
    Bí danh
    Mật khẩu
    Mã kiểm traMã kiểm tra
    Lặp lại mã kiểm tra
    Ghi nhớ
     
    Quên mật khẩu | Đăng ký mới
    
     
    Giỏ hàng

    Xem giỏ hàng


    Giỏ hàng chưa có sản phẩm

     
    Bản đồ lưu lượng truy cập website
    Locations of visitors to this page
     
    Thành viên có mặt
    Khách: 9
    Thành viên: 0
    Tổng cộng: 9
     
    Số người truy cập
    Hiện đã có 93336158 lượt người đến thăm trang Web của chúng tôi.

    Kiến nghị Cải cách, hiện đại hóa giáo dục (của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS) - P2

    Ngày gửi bài: 09/02/2009
    Số lượt đọc: 2853

    Sau hai thập kỷ tăng trưởng kinh tế ấn tượng dựa chủ yếu vào vốn đầu tư, lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên, đã đến lúc muốn tiếp tục đi lên một cách bền vững đất nước cần mau chóng chuyển sang hình thái phát triển mới, dựa chủ yếu vào trí tuệ và tài năng. Do đó chưa bao giờ chấn hưng giáo dục trở thành nhiệm vụ bức thiết như lúc này. Mười ba năm trước TƯ đã có nghị quyết xác định phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu. Nghị quyết rất đúng đắn, tiếc rằng việc triển khai thực hiện bất cập nên sau gần mười năm, Thủ Tướng Phan Văn Khải đã phải thừa nhận chúng ta không thành công trong giáo dục và khoa học.

    Với ý thức trách nhiệm công dân, năm 2004 một nhóm 24 nhà giáo dục, khoa học và văn hóa đã gửi lên TƯ một bản điều trần kêu gọi cải cách, hiện đại hóa giáo dục. Bản điều trần này đã được nhiều tầng lớp xã hội hưởng ứng rộng rãi. Từ đó đến nay, tuy tình hình đã có nhiều thay đổi lớn, song những vấn đề được đề cập trong bản điều trần về cơ bản vẫn còn nóng hổi tính thời sự và vẫn tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của bất cứ ai lo lắng đến tương lai con em và tiền đồ dân tộc. Vì vậy, chúng tôi khẩn thiết kiến nghị TƯ một lần nữa xem xét nghiêm túc các vấn đề nêu trong bản điều trần để kịp thời lựa chọn quyết sách chấn hưng giáo dục.

    Để giúp thêm TƯ có cơ sở lựa chọn quyết sách, dưới đây chúng tôi xin bổ sung và phát triển bản điều trần ở mấy phần chính:
    1) nhận diện tình thế khủng hoảng của giáo dục;
    2) những sai lầm chủ yếu làm tha hóa giáo dục;
    3) các nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng của giáo dục;
    4) chấn hưng, cải cách giáo dục là mệnh lệnh cuộc sống;
    5) một số việc cấp bách cần làm trong khi chưa cải cách.

    Kiến nghị Cải cách, hiện đại hóa giáo dục (của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS) - P1

    5. Một số việc cấp bách cần làm trong khi chưa cải cách

    Việc chuẩn bị cải cách có thể mất một vài năm. Trong thời gian đó, cần chú ý một số vấn đề cấp bách cần giải quyết để tạo cơ sở và mở đường chuyển dần sang cải cách một cách thuận lợi. Chúng tôi kiến nghị tạm dừng việc thông qua Chiến lược phát triển Giáo dục 2009-2020 và một số Dự án, Đề án khác có liên quan. Bản điều trần 2004 có đề nghị 3 vấn đề về giáo dục phổ thông và 7 vấn đề về giáo dục đại học. Gần bốn năm qua, tuy các vấn đề này có tiến triển ít nhiều, nhưng đến nay hầu hết vẫn chưa được thật sự giải quyết, do đó vẫn cần được tiếp tục quan tâm. Mặt khác, tình hình kinh tế khó khăn với nhiều thách thức trước mắt đòi hỏi ngành giáo dục cần có những nổ lực đặc biệt góp phần cùng toàn xã hội vượt qua thách thức, khó khăn, biến thách thức thành cơ hội tạo chuyển biến mạnh mẽ chuẩn bị cho công cuộc chấn hưng giáo dục về lâu dài.

    Trên tinh thần ấy chúng tôi xin kiến nghị ba giải pháp lớn sau đây, vừa để ngăn chặn xu hướng tha hóa, bước đầu khôi phục lại phẩm chất giáo dục trên ba mặt: đạo đức, thực học, chuẩn mực, vừa để góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư trong giáo dục.

    5.1 Cải thiện cơ bản chính sách đối với người thầy, giải tỏa nghịch lý lương/thu nhập, để nhà giáo ở mọi cấp an tâm làm việc, toàn tâm toàn ý với trách nhiệm cao cả của mình.

    Sự thật, phần lớn giáo viên nay đã có mức sống không đến nỗi khó khăn như cách đây mấy năm, thậm chí một bộ phận còn có thu nhập khá. Song cái nghịch lý lương/thu nhập vẫn còn y nguyên, mà nguồn thu nhập bù lương vẫn là nguyên nhân gây nhiều tiêu cực nhức nhối. Cần giải quyết vấn đề này một cách minh bạch, qua việc chấn chỉnh quản lý tài chính ngay trong nội bộ ngành giáo dục, rà soát lại để kiên quyết bỏ hay giảm bớt mọi khoản chi tiêu không hiệu quả, trên cơ sở đó tăng lương, bảo đảm lương đủ sống và là thu nhập chính của mỗi người, từ đó lập lại kỷ cương, đạo đức trong giáo dục. Trong các tính toán kế hoạch, hãy đặt vấn đề trước hết bảo đảm đồng lương hợp lý cho mọi giáo viên và công nhân, viên chức trong ngành, sau đó mới xét đến các khoản chi tiêu khác. Nếu ngân sách được cấp cộng các khoản thu khác (do đóng góp của dân, hay do viện trợ, vay mượn quốc tế) không đủ thì mới xin bổ sung ở mức tối thiểu cần thiết nhất. Làm như vậy không cần đợi giải pháp chung cho tất cả các ngành, mà nhân đó còn có thể chống tham nhũng và lãng phí một cách thiết thực hơn. Theo tính toán sơ bộ9), nếu bỏ đi những khoản chi vớ vẩn hoặc không thật sự cần thiết (hội họp, thi đua hình thức, thi dạy giỏi các kiểu, các khoản chi “nâng cao năng lực quản lý”, v.v.) thì hoàn toàn có thể trả lương đàng hoàng cho thầy cô giáo để họ sống được bằng tiền lương. Nếu cần Nhà Nước chi phụ thêm thì cũng chỉ cần phụ thêm một khoản hoàn toàn trong khả năng hiện thực. Ai cũng hiểu đây là việc rất khó, vì tuy khả thi về điều kiện vật chất khách quan nhưng chắc chắn sẽ vấp trở ngại tư tưởng rất lớn vì đụng chạm đến những thói quen, kể cả lãng phí và tham nhũng, đã hình thành và cắm rễ quá lâu trong thời gian qua. Song không làm bây giờ thì sẽ ngày càng khó hơn và có thể chẳng bao giờ có hy vọng trả lại được lòng tự trọng cho giáo dục.

    Dù thế nào, trong khi chính sách đối với người thầy còn quá bất cập, nếu chưa làm được gì để cho thầy, cô giáo an tâm thì không nên đưa ra sớm quá những chủ trương gây thêm bất ổn lòng người, như cái tin vừa mới loan báo trong bản dự thảo chiến lược: “xóa bỏ biên chế, chuyển sang hợp đồng trong đội ngũ giáo viên”. Nếu đây chỉ là thực hiện một nghị định đã có của Chính Phủ thì không nên đưa ra như một sáng kiến của ngành, mà ngay trong trường hợp này cũng nên nghiên cứu cách thực hiện như thế nào cho thích hợp với các đặc thù của giáo dục. Trong khi tiêu cực, tham nhũng còn nặng, mà đồng lương của giáo viên lại quá thấp, việc xóa biên chế khó tạo nên được cạnh tranh lành mạnh mà còn có thể gây thêm bất ổn, có hại nhiều hơn lợi. Ở một số nước phát triển, mọi điều kiện đều thuận lợi hơn ta nhiều, mà chính sách này cũng chỉ mới được đưa ra mấy năm gần đây đối với giảng viên đại học công lập (và cũng không phải áp dụng đồng loạt cho mọi người) vì trong giáo dục và khoa học không phải kiểu cạnh tranh nào cũng tốt cả. Trong giáo dục phổ thông càng nên thận trọng, vận dụng máy móc cơ chế thị trường vào đây có thể đưa đến thảm họa. Sự cạnh tranh lành mạnh ở đây nên được thực hiện chủ yếu qua khâu tuyển dụng, còn sau khi tuyển dụng thì điều cần thiết là tạo điều kiện, môi trường, để giáo viên an tâm phục vụ, vì khác với ở đại học, ngoài việc dạy chữ họ còn phải quan tâm đến nhiều việc mà thiếu an tâm thì không thể làm tốt. Cũng như vậy, trong điều kiện quản lý và sử dụng cán bộ như hiện nay, chủ trương để hiệu trưởng quyết định lương của giáo viên là một việc phiêu lưu, có thể đẻ ra nhiều bất ổn, tiêu cực mới. Trước hết chúng ta hãy nên khiêm tốn làm những điều bình thường nhất mà ở mọi nước văn minh đều đã thành nề nếp (ví dụ: bỏ độc quyền của Bộ về sách giáo khoa), đồng thờicải cách và tăng cường hệ thống đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, để giúp cho giáo viên không những đủ năng lực truyền thụ kiến thức mà còn có khả năng rèn luyện cho học sinh tư duy phê phán, đầu óc sáng tạo và những kỹ năng mềm cần thiết trong đời sống hiện đại.

    5.2. Đổi mới căn bản việc học và thi ở THPT, khắc phục giáo dục đồng loạt và xóa bỏ khổ dịch thi cử

    Hiện nay từ mẫu giáo đến THCS đã có hệ thống thực nghiệm giáo dục được xây dựng từ gần ba mươi năm nay trên cơ sở những nghiên cứu khoa học nghiêm túc, và đã hoạt động có hiệu quả trên nhiều vùng đất nước. Đã đến lúc cần chính thức mở rộng thực hiện hệ thống đó trong cả nước. Đồng thời để dần dần khôi phục lại thực học trong toàn bộ hệ thông giáo dục, cần một giải pháp đột phá cho việc học và thi ở THPT. Có những lý do sau đây để chọn THPT: 1) THPT là cấp cuối của giáo dục phổ thông, chất lượng ở đây thể hiện chất lượng toàn cấp, đồng thời là chất lượng đầu vào cho ĐH, CĐ trong nước và du học ở nước ngoài; điều này rất quan trọng đối với việc đào tạo đại học, cả trong nước và ngoài nước; 2) việc học và thi ở THPT căng thẳng nhất trong cả hệ thống giáo dục, do hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ quá tốn kém bất hợp lý, giải quyết tốt khâu này chẳng những nâng cao thiết thực chất lượng học tập mà còn xóa được một nguồn lãng phí lớn về nhân, tài, vật lực; 3) trong cả đời người, tuổi 15-18 là giai đoạn dò dẫm con đường phát triển về cả sinh lý, tâm lý, tình cảm, trí tuệ, là tuổi bắt đầu suy nghĩ về tương lai nghề nghiệp, hình thành xu hướng, sở thích, ước mơ, hoài bão, …, cho nên giáo dục THPT không tốt sẽ để lại cho từng cá nhân cũng như cho cả xã hội dấu ấn nặng nề.

    Hệ thống giáo dục THPT hiện tại có hai lãng phí lớn. Lãng phí thứ nhất là hàng năm có một số lớn thanh niên tốt nghiệp THPT không qua lọt cánh cửa ĐH, CĐ, phải bước vào thị trường lao động, chịu bằng lòng với một việc làm đơn giản (không cần tay nghề), dù đã tốn 12 năm đèn sách, hoặc phải chấp nhận vào học nghề ở một trường trung cấp kỹ thuật vốn chỉ đòi hỏi trình độ THCS. Trong khi đó nếu tổ chức tốt hơn hệ thống giáo dục thì chỉ cần 12 năm học tập, thêm một thời gian 6-12 tháng tập việc, cũng hoàn toàn đủ để có được một văn hóa cơ bản và việc làm có nghề. Tình trạng đó vừa gây ra lãng phí lớn cho xã hội vừa tạo tâm lý bất ổn cho thanh niên. Lãng phí lớn thư hai, khó thấy hơn, nhưng nghiêm trọng hơn, là cách học và thi quá lạc hậu ở THPT gắn liền với nạn hư học cổ lỗ, hoàn toàn không chú ý các đặc điểm và đòi hỏi của lứa tuổi, làm phí sức học sinh một cách vô ích, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tâm lý, đến tương lai nghề nghiệp của một số khá đông, lại rất tốn kém cho gia đình và xã hội.10)Ngoài ra chương trình và nội dung từng môn học quá cũ kỹ, chưa giúp rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự tìm kiếm kiến thức và sáng tạo.

    Để khắc phục những bất hợp lý trên cần cải cách việc học và thi trên cơ sở tổ chức lại hệ thống giáo dục để sau THCS có hai nhánh rẽ: trung học nghề, hay trung học phổ thông, học xong nếu không học lên cao hơn (cao đẳng hay đại học) được thì đều có thể đi ngay vào thị trường lao động tìm một việc làm có nghề. Theo hướng đó nên cấu trúc lại chương trình và cách học ở THPT để “tạo nhiều cơ hội lựa chọn cho thế hệ trẻ trên cơ sở bảo đảm một mặt bằng văn hóa chung thích hợp, đồng thời đủ mềm dẻo để cho phép điều chỉnh những sự lựa chọn chưa phù hợp” (bản điều trần 2004, trang 5). Cụ thể là bãi bỏ cách phân ban cứng nhắc như hiện nay11)để tổ chức lại việc học ở THPT như ở nhiều nước tiên tiến, về mỗi môn học đều có một chương trình bình thường và một hoặc nhiều chương trình nâng cao, theo nhiều mức độ nâng cao khác nhau, cho phép học sinh được tự do lựa chọn chương trình nào hợp sức và hợp sở thích, đồng thời đễ dàng điều chỉnh sự lựa chọn khi thấy cần thiết. Chỉ với cách học đó học sinh mới không bị quá tải, vì được học sâu những môn ưa thích và không phải học quá kỹ nhiều thứ mà sau này sẽ chẳng bao giờ cần đến (như chương trình toán THPT hiện nay có quá nhiều phần hoàn toàn không cần thiết sau này cho đại đa số học sinh). Hơn nữa về những môn hợp xu hướng sở thích thì có cơ hội được học đủ sâu để đến khi tốt nghiệp THPT có đủ hiểu biết để tìm được việc làm có nghề, và nếu xuất sắc thì khi học tiếp lên ĐH hay CĐ có thể học vượt lớp, tiết kiệm thời gian. Tuổi 15-18 là tuổi vàng, nhiệm vụ của nhà trường là tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát triển đến mức tối đa của mình, chứ không phải chỉ nhằm bảo đảm cho mọi cá nhân môt mức tối thiểu đồng loạt như cách dạy hiên nay ở THPT.

    Đồng thời với cách học, thì cách thi cử và đánh giá cũng phải thay đổi. Trong một nhà máy làm ra một sản phẩm gồm nhiều bộ phận riêng rẽ (môđun) ghép lắp lại, người ta phải kiểm tra kỹ chất lượng khi sản xuất từng bộ phận, đến khi lắp ráp chỉ kiểm tra chất lượng lắp ráp. Việc học và thi trong nhà trường cũng vậy: mỗi môn, mỗi học phần như một môđun, học môn nào, học phần nào phải kiểm tra, thi nghiêm túc môn đó, phần đó, đến cuối cấp không thi lại nữa, mà chỉ phải làm một tiểu luận hoặc qua một kỳ thi nhẹ nhàng, với mục đích kiểm tra trình độ văn hóa phổ quát thu nhận được (giống như chất lượng lắp ráp các môđun). Hơn nữa, kỳ thi nhẹ nhàng này cũng có thể không bắt buộc cho mọi người mà có thể coi như một kỳ thi sơ tuyển (ST) vào ĐH, CĐ chỉ bắt buộc đối với những ai muốn vào học ĐH, CĐ. Còn việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ thì cần trả lại cho từng trường. Mỗi trường tuyển sinh căn cứ vào kết quả thi (ST) và học bạ hoặc qua một kỳ thi tuyển nếu trường nào có yêu cầu đào tạo đặc biệt.

    Với cách học và thi ở THPT được tổ chức lại hợp lý, sẽ bỏ được kỳ thi THPT tốn kém (tiết kiệm ít ra hàng nghìn tỉ đồng cho một kỳ thi), đồng thời việc tuyển sinh cũng được hợp lý hóa để giảm bớt chi phí và đỡ căng thẳng cho thí sinh. Chất lượng đầu vào cho ĐH, CĐ trong nước hay chất lượng học sinh VN gửi đi du học các nước ngoài sẽ nhờ đó được nâng cao đáng kể.

    5.3. Xây dựng mới một hay hai đại học đa ngành hiện đại, đạt các chuẩn mực quốc tế về mọi mặt, làm hoa tiêu thúc đẩy toàn ngành đại học hội nhập với thế giới

    Mối nguy hại của việc phát triển giáo dục bừa bãi bất chấp chuẩn mực đã quá rõ khi hội nhập, buộc chúng ta phải thay đổi nhận thức và tìm mọi cách khắc phục tình trạng đó. Song cái khó là vì đã bỏ qua chuẩn mực một thời gian quá lâu, không chỉ trong giáo dục mà cả trong khoa học, nên chúng ta rât thiếu những nhà quản lý thật sự am hiểu các chuẩn mực phát triển giáo dục, khoa học hiện đại. Thời gian qua cho thấy nhận thức của phần đông các nhà quản lý ở lĩnh vực này có nhiều mặt phiến diện, xa thực tế, nói chung rất chủ quan trong hàng loạt vấn đề quan trọng liên quan việc đào tạo tiến sĩ, công nhận các chức vụ GS, PGS, đánh giá các công trình khoa học, đánh giá chất lượng đại học nói chung. Chỉ xem trong vấn đề đại học đẳng cấp quốc tế, đại học thuộc top 200, cũng đủ thấy rõ sự hiểu biết của cơ quan quản lý của chúng ta về giáo dục đại học hiện đại trên thế giới còn quá thô sơ, quá xa thực tế. Trong tình hình đó, khó có thể khắc phục tình trạng phát triển bừa bãi và khó khôi phục được trật tự, chuẩn mực chỉ bằng công tác kiểm định và xếp hạng. Bằng chứng là trong ba năm 2005-2008 đã tiêu tốn một số tiền không nhỏ (gần 1,5 triệu Euro) cho dự án đảm bảo chất lượng đại học, nhưng đến nay công tác này vẫn rất lúng túng chưa có kết quả gì rõ ràng. Cùng với những khoản chi tiêu về khảo thí, các khoản chi tiêu về kiểm định và xếp hạng đã ngốn hết bao nhiêu phần ngân sách và đã đưa lại những kết quả gì thiết thực giải quyết vấn đề chất lượng đại học Việt Nam, có lẽ đây là lúc cần nhìn lại tỉnh táo hơn trước khi lao vào những dự án đầu tư mới.

    Tốt hơn nên tập trung cố gắng xây dựng cho mỗi bậc học, ở mỗi địa phương, một số đơn vị thật sự đáp ứng các chuẩn mực, lấy đó làm hoa tiêu, cung cấp kinh nghiệm phổ biến rộng dần ra. Về giáo dục phổ thông, từ mẫu giáo đến THCS đã có hệ thông thực nghiệm giáo dục, còn THPT thì sắp tới nên xúc tiến từng bước đổi mới như trên đã nói. Riêng về đại học, vấn đề phức tạp hơn, phải mất nhiều năm mới chấn chỉnh được tình trạng rối ren hiện nay. Một mặt cần nâng cấp một số đại học lớn sẵn có, việc này đòi hỏi phải có thời gian, vì nếu làm tốt cũng phải mất không ít hơn mươi lăm năm mới có thể nâng được một đại học hiện có lên đẳng cấp quốc tế (kinh nghiệm ĐHQG Hà Nội thành lập đã mười mấy năm rồi nhưng còn kém xa các đại học loại tốt trong khu vực). Mặt khác cần bắt tay xây dựng mới một hai đại học đa ngành thật hiện đại, theo các chuẩn mực quốc tế, có tính chất làm “hoa tiêu” cho toàn bộ công cuộc hiện đại hóa đại học. Ý kiến này đã được đề xuất trong bản điều trần 2004, và đã được Thủ Tướng Phan Văn Khải chấp thuận, nhưng đến nay chưa làm được bao nhiêu. Ngay đến quan niệm cơ bản về mục tiêu “đại học đẳng cấp quốc tế” hay “đại học lọt vào top 200 trên thế giới” hiện cũng còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng, chưa xác định, chưa ổn. Với tác phong làm việc lề mề như vậy, chúng ta dễ để vuột hết mọi cơ hội.

    Để hiểu rõ những việc cần làm, và làm như thế nào, điều đầu tiên là cần xác định đúng đắn yêu cầu, chuẩn mực của một đại học “đẳng cấp quốc tế”. Còn chuyện đại học thuộc top 200 thì xin đề nghị tạm gác lại, vì mục tiêu quá mơ hồ hoặc không thực tế, dễ đánh lạc hướng cố gắng của chúng ta, làm chúng ta sao nhãng những nhiệm vụ cần kíp, thiết thực khác.

    Cũng giống như khái niệm “chuyên gia tầm cỡ quốc tế” khái niệm “đại học đẳng cấp quốc tế” tuy không thể định nghĩa hoàn toàn chặt chẽ, chính xác, nhưng cũng không phải quá mập mờ, tùy tiện. Điều không may là chúng ta không có nhiều chuyên gia tầm cỡ quốc tế, cho nên khái niệm đại học đẳng cấp quốc tế dễ bị dung tục hóa. Với tình hình đó, dễ có quan niệm quá đơn giản về chuẩn mực một đại học đẳng cấp quốc tế, nên dễ coi thường các khó khăn và dễ đặt mục tiêu xa vời, thiếu thực tế. Cần xác định rõ một đại học đẳng cấp quốc tế là một đại học đạt các chuẩn mực vào loại trung bình ở các nước phát triển về các phương diện chủ yếu: cơ sở hạ tầng (khuôn viên, giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm, sân vận động, ký túc xá, …), tỉ lệ giảng viên/sinh viên, trình độ khoa học của tập thể giảng viên12), trình độ sinh viên nhập học, trình độ sinh viên tốt nghiệp và thành tựu trong công tác của họ khi vào đời, thành tựu khoa học của từng cá nhân và của cả tập thể giảng viên trong mươi năm gần đây nhất, mức độ hợp tác quốc tế, mức độ tham gia của tập thể giảng viên vào các hoạt động học thuật quốc tế (tạp chí quốc tế, hội thảo quốc tế, …).­­ Hơn nữa, về mỗi chuyên ngành phải có ít ra 3-4 chuyên gia tầm cỡ quốc tế làm nòng cốt 13). Như vậy ngay một lúc không thể xây dựng hết tất cả các khoa (chuyên ngành) mà lúc đầu chỉ nên mở một số ít chuyên ngành lựa chọn rồi sau mở rộng dần. Điều quan trọng là mở ngành nào nhất thiết đều phải hội đủ tiêu chuẩn quốc tế một cách nghiêm túc. Ban đầu có thể chỉ có cấp thạc sĩ, tiến sĩ, sau đó dần dần có cả cấp cử nhân, kỹ sư. Quy mô ban đầu có thể chỉ cần mấy trăm sinh viên, rồi tăng dần đến khoảng 10 nghìn. Chỉ nên tập trung khả năng và phương tiện xây dựng một hai đại học đẳng cấp quốc tế từ nay đến 2020. Không nên tham vì nếu thất bại một lần thì không chỉ lãng phí tiền của mà còn gây khó khăn về sau.

    *

    * *

    Từ sau Nghị quyết TƯ II khóa 8 toàn dân đang mong đợi từng ngày những chuyển biến cách mạng trong giáo dục, như lời Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã phát biểu, để đáp ứng nguyện vọng học tập thiết tha của mỗi gia đình và yêu cầu bức thiết của công cuộc phát triển đất nước.

    Chúng ta đang bước vào một thế giới và một thời đại đầy thách thức đối với trí tuệ và tài năng của các dân tộc. Lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm chứng tỏ tiềm năng trí tuệ và tài năng của dân tộc ta không thiếu. Song muốn đánh thức tiềm năng đó rất cần một nền giáo dục hiện đại dựa trên một triết lý giáo dục tiên tiến, nhằm trước hết hoàn thiện con người như một chủ thể chứ không phải một phương tiện. Rất mong chúng ta sẽ không trả giá quá đắt để học bài học đó từ các nước đi trước và có quyết sách đúng đắn, kịp thời, chấn hưng giáo dục để chấn hưng đất nước, tranh thủ thời cơ mau chóng vươn lên đuổi kịp thế giới, thực hiện trách nhiệm đối với các thế hệ hiện nay và mai sau, và đối với di sản quý báu của các thế hệ tiền bối.


    1) Phạm Duy Hiển: “Đại học hàng đầu ở Thái Lan và Việt Nam”, tạp chí Tia Sáng số 2,20/1/2007

    1*) Nói thế không có nghĩa chỉ cần giải tỏa cái nghịch lý lương/thu nhập thì mọi việc sẽ ổn, mà chỉ có nghĩa: không làm việc này thì không khắc phục được những tiêu cực khác, làm việc này là điều kiện cần,sine qua non, nhưng đương nhiên không đủ. Sự thật là cái nghịch lý này đã kéo theo nhiều cái tiêu cực khác, rồi đến lượt các tiêu cực này dần dần có con đường phát triển riêng, có phần phụ thuộc có phần độc lập cái nghịch lý kia, vì đã trở thành thói quen khó bỏ. Đó là chưa kể ảnh hưởng của nhiều tiêu cực trong hệ thống lớn (xã hội). Cho nên, phải sửa chữa nhiều lỗi trong hệ thống lớn (xã hội) nữa, và đi đôi với phá, phải có xây thì dần dần mới ổn. Tuy nhiên, trong phạm vi giáo dục, đây đúng là một lỗi hệ thống cơ bản.

    2) Theo trình bày của Bộ GD-ĐT (http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/2008/12/818314/), đến 2020 mỗi đại học ấy sẽ có 50% giảng viên trở lên có bằng tiến sĩ, mỗi cán bộ có ít nhất 2 công bố trên tạp chí quốc tế uy tín, ... . Nêu chỉ vậy chưa thể coi là “đẳng cấp quốc tế”, càng không thể thuộc top 200 trên thế giới, mà mới chỉ là loại kém đối với một nước, chưa nói đến quốc tế. Chúng ta đã phạm sai lầm lớn hạ thấp chuẩn mực để có hàng vạn tiến sĩ, hàng nghìn PGS, GS, với hậu quả như thế nào mọi người đã biết. Giờ đây lại hạ thấp chuẩn mực để chóng có nhiều đại học đẳng cấp quốc tế và đại học lọt vào top 200 trên thế giới ? Đương nhiên phấn đấu để ta sớm có đại học đẳng cấp quốc tế là cần thiết, nhưng phải thực chất. Còn nếu chạy theo một mục tiêu chính đáng, nhưng chỉ chú trọng hình thức, số lượng, thì sẽ vung phí tiền của mà sẽ xao lãng những việc cần kíp khác. Các bảng xếp hạng tung ra trên thế giới mấy năm gần đây chỉ mới có tính chất thương mại, quảng cáo, nên theo dõi để tham khảo, nhưng lọt vào top 200 trong các bảng ấy chẳng để làm gì. Từng có một đại học của một nước được xếp hạng cao bất ngờ, hỏi ra chỉ là do … “quan hệ” giỏi, liệu ta có định “chạy” để len vào top 200 theo kiểu đó ? Còn nếu lọt vào top 200 một cách xứng đáng thì mục tiêu ấy không hiện thực, đến 2020 khó có thể đạt được.

    3) Theo quy định của Bộ tài chính, không gian và phương tiện làm việc của những giáo sư và nhà khoa học hàng đầu của đất nước cũng kém hơn trưởng, phó phòng. Chi cho xây dựng trụ sở, trang thiết bị phòng làm việc, phương tiện làm việc của các quan chức thì thoải mái, nhiều nơi hơn cả ở các nước giàu, nhưng chi cho xây dựng thư viện, chỗ làm việc của giáo sư, giáo viên rất khó khăn. Trong thang lương do bộ nội vụ xây dựng, bậc cao nhất của giáo sư (và nhà khoa học) thấp hơn bậc thấp nhất của “chuyên gia cao cấp”, thù lao giờ dạy cũng tính theo chức vụ hành chính: bộ, thứ trưởng cao nhất rối mới đến giáo sư, phó giáo sư, v.v. Những ví dụ này thường được cho là chi tiết lặt vặt không đáng quan tâm, nhưng thật ra thể hiện cách nhìn của lãnh đạo đối với giáo dục, thật hơn mọi nghị quyết.

    4) Chẳng hạn mục tiêu “đào tạo con người yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội …” có thể giải thích theo nhiều cách khác nhau, và muốn an toàn nhiều người thường chọn cách giải thích y hệt 50-60 năm trước, thời đấu tranh giai cấp “ai thắng ai”, “tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội”. Khi nhìn nhận rằng tư duy chậm đổi mới thì cũng chỉ nhấn mạnh chậm ở chỗ chưa thích ứng với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà nhận định này lại cũng chỉ được dùng để biện minh cho xu hướng tự do hóa giáo dục cực đoan, phát triển ồ ạt trường tư thục kinh doanh giáo dục kiếm lời đơn thuần vô trách nhiệm.

    5) Xem “Đề án cải cách giáo dục: Phân tích và đề nghị của nhóm nghiên cứu giáo dục VN”(Hồ Tú Bảo, Trần NamBình, Trần Hữu Dũng, Ngô Vĩnh Long, Trần Hữu Quang, Hồng Lê Thọ, Trần Văn Thọ, Hà Dương Tường,Vũ Quang Việt, Nguyễn Xuân Xanh, Võ Tòng Xuân).

    6) Một số biện pháp quản lý doanh nghiệp trong cơ thế thị trường có thể vận dụng vào quản lý các đại học để nâng cao hiệu quả hoạt động, nhưng phần lớn các biện pháp đó cũng đòi hỏi một môi trường giáo dục lành mạnh mà ta chưa có và chưa thể có trong mấy năm tới. Quan điểm 5 này quá ngây thơ.

    6*) Ví dù có thông tin dự báo chính xác thì do nguồn lực có hạn, các chỉ tiêu đều phụ thuộc lẫn nhau, không dễ gì tính toán khoa học được một kế hoạch khả thi theo dự báo đó. Còn nếu chỉ bấm độn để tính toán thì càng xa thực tế.

    7) “Bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử” sau hai năm chống có kết quả bước đầu, nay đang có chiều hướng quay trở lại, như đã thấy rõ qua kêt quả tổng kết các kỳ thi 2008.

    8) Theo tin http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/2008/12/818768/

    9) Theo “Đề án cải cách giáo dục” của nhóm nghiên cứu giáo dục Việt Nam, đã dẫn.

    10) Sinh viên ta du học ở các nước ngoài thường học giỏi những năm đầu, nhưng những năm sau, khi đòi hỏi sáng tạo và chủ động nhiều hơn thì mau đuối sức. Nguyên do là lối học nhồi nhét ở THPT trong nước đã làm họ mệt mỏi, không bền sức, kém chủ động, sáng tạo khi lên học đại học. Trong nước, có hiện tượng nhiều sinh viên khi lên đại học không chăm chỉ, say sưa học tập như lúc ở THPT, một phần do cách dạy ở đại học nhưng phần khác cũng do những năm ở THPT đã phải cố gắng quá sức.

    11) Cách phân ban từ 2007 đến nay tuy có mềm dẽo hơn trước (nhờ có ban cơ bản) nhưng vẫn còn rất cứng nhắc đối với hai ban KHTN và KHXH và không hiệu quả đối với ban cơ bản.

    12) Để tham khảo có thể lấy ví dụ về chuyên ngành toán: nói chung (không kể ngoại lệ) trợ giảng phải là tiến sĩ giỏi, có ít nhất 5-7 công trình công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín trong chuyên ngành, PGS đã từng là trợ giảng giỏi khoảng 5 năm, có ít nhất 15-20 công trình, GS đã từng là PGS giỏi, có khoảng 30-40 công trình. Đó là nói về định lượng, còn phải xét định tính từng trường hợp cụ thể, dựa trên sự thẩm định khách quan của các chuyên gia giỏi trong chuyên ngành.

    13) Chuyên gia tầm cỡ quốc tế được hiểu là người có uy tín quốc tế trong chuyên ngành của mình. Trái với quan niệm phổ biến hiện nay, ta hiện chưa có nhiều chuyên gia như vậy trong từng chuyên ngành. Nhiều nhà khoa học trong nước rất nổi tiếng rồi được coi như chuyên gia tầm cỡ quốc tế, nhưng tên tuổi trên quốc tế lại ít được biết đến. Dù không có tiêu chí thật chính xác, nhưng một chuyên gia tầm cỡ quốc tế phải có những thành tựu khoa học được biết đến rộng rãi trong cộng đồng quốc tế về chuyên ngành đó, thể hiện ở mức độ được trích dẫn trên các tạp chí quốc tế.

    School@net



     Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


    Những bài viết khác:



    Lên đầu trang

     
    CÔNG TY CÔNG NGHỆ TIN HỌC NHÀ TRƯỜNG
     
    Phòng 804 - Nhà 17T1 - Khu Trung Hoà Nhân Chính - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
    Phone: 024.62511017 - 024.62511081
    Email: kinhdoanh@schoolnet.vn


    Bản quyền thông tin trên trang điện tử này thuộc về công ty School@net
    Ghi rõ nguồn www.vnschool.net khi bạn phát hành lại thông tin từ website này
    Site xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.