Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

MÔ HÌNH QUẢN LÝ HỌC & DẠY PHẦN II
07/02/2006


PHẦN II: ĐỐI TƯỢNG ĐIỂM TRONG MÔ HÌNH QUẢN LÝ HỌC & DẠY


Khái niệm điểm "trực tuyến" hay điểm "sống"?

Khi nhắc đến bài toán quản lý Điểm của Học sinh, chắc tất cả chúng ta đều có một suy nghĩ nhanh rằng công việc "quản lý" này thật là đơn giản: chỉ là việc nhập một số điểm bằng giá trị số, sau đó thực hiện một số tính toán (bằng các phép +, * và :), sau đó in ra kết quả. Suy nghĩ này hoàn toàn hợp lý và không sai. Tuy nhiên, với hầu hết các mô hình phần mềm hiện có, các giá trị điểm của học sinh chỉ được lưu trữ cùng với 3 thuộc tính quan trọng khác là Môn học, Loại điểm (hệ số điểm) và Tên học sinh. Chúng tôi gọi mô hình điểm như vậy là các điểm "tĩnh".



Mô hình Điểm "Tĩnh" có các đặc thù và hạn chế sau:

* Các điểm "tĩnh" chỉ mang thông tin một chiều, đó là vế "HỌC" của học sinh mà không có (hoặc rất ít) thông tin về phía "DẠY" của giáo viên, hay nói cách khác, các điểm này chỉ mang một nửa thông tin của quá trình "HỌC và DẠY".
* Các giá trị điểm này hoàn toàn không mang các thông tin về thời gian xuất hiện điểm, do đó không phản ánh được tính "liên tục" hay "quá trình" học tập của học sinh. Đặc thù này làm cho các điểm chỉ có ý nghĩa thuần tuý "trị số", "điểm tĩnh" và nó mang lại không nhiều thông tin cho người quản lý. Đối với hệ thống các giá trị điểm này, ý nghĩa của phần mềm chỉ nổi bật ở khía cạnh tính toán nhanh mà thôi.
* Các giá trị điểm thiếu các thông tin quan trọng của việc "DẠY" như là điểm của giáo viên nào, điểm được cho trong hoàn cảnh nào, bài học nào, nhận xét trực tiếp của giáo viên đối với điểm này ra sao, .... Các thông tin này góp phần quan trọng trong việc đánh giá chất lượng HỌC của học sinh.
* Với mô hình các điểm "tĩnh" như vậy, việc quản lý HỌC chỉ là công việc "đã rồi". Công việc kiểm soát, nhận xét, tính toán sau khi ĐIỂM đã có chỉ mang ý nghĩa thống kê và rất khó làm "sống lại" các điểm này. Hay nói một cách khác, các điểm "tĩnh" không có tính "sống" hay "động", đó là các điểm "bất động".

Ngược lại với khái niệm điểm "tĩnh" vừa nêu trên phải là khái niệm điểm "động" hay điểm "trực tuyến". Các điểm này được cập nhật "online" và mang đầy đủ các thông tin liên quan đến quá trình HỌC của học sinh và DẠY của giáo viên. Chúng tôi sẽ còn quay lại mô hình điểm "động" này nhiều lần trong bài viết này.

Trước hết chúng ta hãy xem một mô hình điểm "động" hay điểm "trực tuyến" đơn giản sau, với một giá trị điểm sẽ có rất nhiều thông tin đi kèm:



Không cần suy xét nhiều cũng thấy mô hình quản lý điểm "động" trên có rất nhiều ưu điểm so với các mô hình điểm cũ. Các mô hình này mang nhiều thông tin và cho phép chúng ta nhìn và cảm nhận chính xác hơn về bản thân các giá trị điểm của học sinh. Thật vậy khi nói về một "điểm 6" của một học sinh, ý nghĩa thực sự của điểm này không thể chỉ được nêu ngắn gọn rằng đó là một điểm "trung bình". Với cùng một điểm 6, nếu như một vài tháng trước đây học sinh này toàn đạt 4, 5 sẽ khác hẳn với điểm 6 mà trước đó học sinh này thường đạt điểm 8, 9. Điểm 6 với lời nhận xét "học có tiến bộ" của giáo viên khó tính A sẽ hoàn toàn khác điểm 6 của giáo viên B với nhận xét "học sút kém". Và tất nhiên điểm 6 thu được đầu học kỳ sẽ có ý nghĩa khác hẳn với một điểm 6 lúc cuối năm. Một vài ví dụ trên cho chúng ta thấy rằng không đơn giản để đánh giá một điểm 6 như giá trị của nó có!

Mô hình quản lý HỌC và DẠY với ĐIỂM được coi là trung tâm với các thông số được chỉ ra trong hình 5 được gọi là Mô hình quản lý điểm "Động" hay "Trực tuyến". Trong bài viết này tôi sẽ tập trung nghiên cứu, phân tích và tìm hiểu kỹ về mô hình này, điều mà theo tôi, thực sự là một mô hình dữ liệu mới của bài toán quản lý HỌC & DẠY trong nhà trường.
Quản lý QUÁ TRÌNH?

Một trong những hệ quả rất quan trọng của mô hình quản lý điểm "động" nêu trên là khả năng quản lý hay xem xét QUÁ TRÌNH Học và Dạy của học sinh, giáo viên trong nhà trường. Thông tin về Thời gian là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của khái niệm QUÁ TRÌNH này. Và khi nói về một quá trình tức là chúng ta nghĩ về một sự vận động, chuyển động. Khái niệm điểm "động" hay điểm "sống" được thể hiện rõ nét nhất ở đây. Ta hãy cùng xem sơ đồ điểm theo thời gian đơn giản sau của một học sinh.



Nhìn vào biểu đồ trên, người thầy giáo (hoặc cha mẹ học sinh) có thể nhìn thấy và rút ra được rất nhiều kết luận và thông tin bổ ích về học sinh này, thậm chí có thể dự đoán được điểm tương lai.



Ý nghĩa của việc quản lý thật sự một QUÁ TRÌNH là rất lớn. Trước hết bản chất cơ bản nhất của công việc quản lý hay kiểm soát phải thể hiện trong một quá trình, do đó việc kiểm soát được quá trình học và dạy của học sinh, giáo viên trong nhà trường sẽ đáp ứng được thực sự nhu cầu của các cấp quản lý. Khả năng theo dõi điểm học sinh theo thời gian còn có ý nghĩa trong việc dự đoán sự phát triển các điểm này trong tương lai. Chúng tôi sẽ còn quay lại vấn đề quan trọng và hứng thú này khi trình bày trong các phần tiếp theo của bài viết.

Đối tượng ĐIỂM

Như đã trình bày ở trên, trong mô hình quản lý HỌC và DẠY trong nhà trường, ĐIỂM vẫn là đối tượng quản lý quan trọng nhất. Trong ngôn từ của nhà quản lý cũng như quản trị dữ liệu ĐIỂM của học sinh trong nhà trường phải là một ĐỐI TƯỢNG (OBJECT) với đầy đủ các thông tin kèm theo. Hình 8 cho chúng ta toàn cảnh các thông tin dữ liệu của đối tượng điểm này.



Trước mắt chúng ta hãy tạm gác sang một bên tính "phức tạp" của mô hình Điểm trong hình 8 mà chỉ xét liệu có thể mô phỏng hay quản lý được các thông tin trên hay không? Và nếu được thì làm thế nào để mô phỏng được chúng? Tính khả thi của mô hình này trong điều kiện cụ thể của Việt Nam? Các câu hỏi trên được đặt ra một cách tự nhiên vì chắc chắn sẽ có rất nhiều người cho rằng mô hình quản lý điểm "động" như trên là không tưởng hoặc không thể thực hiện được trong điều kiện Việt Nam chúng ta.

Trước tiên chúng ta hãy kiểm tra xem với mô hình Đối tượng Điểm như trên, dữ liệu điểm của học sinh trong nhà trường sẽ "lớn" đến mức nào. Bảng sau cho ta dự kiến của độ lớn của một điểm học sinh.



Thông thường trong một năm, với mỗi môn học, một học sinh sẽ có từ 5 đến 20 giá trị điểm. Số học sinh trong một trường phổ thông tại Việt Nam dao động trong khoảng từ vài trăm cho đến vài ngàn học sinh. Bảng sau sẽ cho ta dự đoán độ lớn của toàn bộ CSDL quản lý một nhà trường với giả định số môn học =15 trong thời gian là một năm học hoặc một học kỳ.



Tiêu đề hàng chỉ ra số lượng điểm trung bình có của một học sinh trong thời gian một học kỳ hoặc năm học, tiêu đề cột chỉ ra tổng số số học sinh của nhà trường. Chú ý rằng giả định của chúng ta là số môn học 15, nhưng trên thực tế số lượng môn học chỉ dao động từ 9 đến 13. Nhìn vào bảng trên ta thấy với một trường khá lớn (2500 học sinh) thì dung lượng của toàn bộ dữ liệu điểm trong một năm học sẽ vào khoảng 50 MB, một con số không nhỏ nhưng chưa phải là quá lớn đối với cấu hình các thế hệ máy tính hiên nay. Với bảng thống kê trên (hình 10), chúng tôi muốn khẳng định rằng chúng ta hoàn toàn có khả năng áp dụng mô hình điểm "động" vào điều kiện thực tế của Việt Nam.

Mô hình dữ liệu điểm học sinh

Như vậy chúng ta có thể bắt tay vào việc mô tả dữ liệu điểm "động" của học sinh. Đây có lẽ là khâu khó khăn đầu tiên nhưng mang tính quyết định khi thiết kế hệ thống phần mềm này. Các thông tin về điểm được mô tả trong hình 8 giờ đây cần được phân tích kỹ và chuẩn hóa chúng thông qua các ràng buộc quan hệ giữa các bảng. Có rất nhiều cách để cụ thể hóa ý tưởng này, tuy nhiên tất cả chúng phải thỏa mãn các điều kiện sau đây:

1. Thông tin về điểm phải đầy đủ, ví dụ dựa trên mô hình của hình 8 đã chỉ ra.
2. Đảm bảo tính thực tếkhả nhập của các thông tin này trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Ví dụ thông tin về thời gian chính xác của điểm (tính "trực tuyến"), thông tin này là rất cần thiết, nhưng trong điều kiện các trường phổ thông của chúng ta hiện nay chưa thể (hoặc rất khó) có thông tin này kèm điểm học sinh.
3. Mô hình điểm như trên phải có tính mở, cho phép tự điều chỉnh để phù hợp với các thay đổi về qui chế điểm của Bộ hoặc Sở GD&DT. Các thay đổi có thể xảy ra đối với việc HỌC của học sinh và DẠY của giáo viên trong điều kiện cụ thể Việt Nam có thể là: thay đổi môn học, thay đổi cách tính điểm trung bình, thay đổi hệ số tính toán,... Theo chúng tôi được biết một trong những khó khăn nhất của các chuyên gia Tin học khi thiết kế các phần mềm quản lý điểm học sinh là tính không thống nhất về các qui định môn học, qui định về cách tính điểm trung bình hoặc phân loại học lực cho học sinh giữa các trường và các địa phương.

Có thể thấy rằng hoàn toàn không dễ dàng thiết kế một mô hình dữ liệu điểm thỏa mãn đầy đủ cả 3 yêu cầu trên. Tuy nhiên theo ý kiến của chúng tôi thì vấn đề thứ 3, tính mở của dữ liệu, là điều khó thực hiện nhất trong hoàn cảnh cụ thể Việt Nam. Có rất nhiều vấn đề phải suy nghĩ và giải quyết khi đặt vấn đề về tính mở của mô hình. Sau đây là một vài vấn đề cụ thể:

* Tính mở phải thể hiện ở sự không liên quan xơ cứng giữa lớp học và các môn được phân công. Hiện tại mặc dù chương trình đào tạo đã được phê duyệt chặt ở mức quốc gia, tuy nhiên tuỳ từng địa phương luôn có sự linh hoạt thay đổi, chương trình phải được thiết kế đáp ứng điều này, nghĩa là cho phép phân công mới, cập nhật, hủy việc gán môn học cho các lớp.
* Các loại điểm (miệng, 15 phút, 1 tiết, ...) và số lượng điểm của mỗi loại phải được thiết kế mở cho phép thay đổi ngay từ chương trình. Không nên sơ cứng định nghĩa, ví dụ, cho mỗi học sinh, mỗi môn học được có 5 điểm miệng, 4 điểm 15 phút, ...
* Một vấn đề rất quan trọng nữa là các công thức tính điểm trung bình và phân loại học lực học sinh. Các công thức này phải được định nghĩa ngay trong chương trình, cho phép thay đổi cách tính tuỳ theo môn, tuỳ thuộc vào điều kiện của từng trường và từng địa phương.

Trong khi tính "mở" phải được áp dụng tối đa thì điều kiện về tính thực tế (tính khả nhập) cũng rất quan trọng và không được bỏ qua. Làm thế nào để đáp ứng được tất cả các yêu cầu đã nêu trên? Cần phải bắt đầu từ đâu khi thiết kế mô hình dữ liệu điểm học sinh?. Theo chúng tôi, ta cần xuất phát từ việc Phân loại thông tin dữ liệu Điểm đã có từ hình 8. Có thể phân loại thông tin điểm theo 4 kiểu (loại) sau, được mô tả trong sơ đồ dưới đây:



Đó là (1) thông tin Giá trị điểm, (2) thông tin Phân loại điểm, (3) thông tin Tham chiếu điểm và (4) thông tin Thời gian của điểm. Trong 4 loại trên, các thông tin loại (1) và (2) là quan trọng và cần thiết (khả nhập) hơn cả. Ta sẽ phân tích kỹ việc phân loại thông tin này.

Thông tin Giá trị điểm là các thông tin liên quan trực tiếp đến bản thân và nội dung của điểm. Các thông tin loại này có thể là giá trị điểm (ví dụ, điểm 7), kiểu điểm (chính thức, tạm thời, ...) hay nhận xét điểm của giáo viên (có tiến bộ, học kém, ...). Đây là nhóm các thông tin bắt buộc phải có của điểm (trên thực tế thường chỉ có thông tin giá trị số của điểm). Các thông tin này không liên quan đến bất cứ một loại thông tin nào khác về điểm.

Thông tin Phân loại điểm là thông tin thuộc tính và định dạng của điểm như loại điểm (miệng, 15 phút, ...), định dạng (nguyên, thập phân, ...), hệ số điểm (1, 2, 3), số lượng điểm cho phép. Các thông tin này bổ sung trực tiếp cho thông tin Giá trị đã nêu ở trên và tạo ra các tham số dùng để tính toán điểm học sinh.

Hai loại thông tin Giá trịPhân loại vừa nêu trên đều rất quan trọng và bắt buộc phải có trong mỗi phần mềm quản lý học sinh.

Nhóm thông tin Tham chiếu của điểm bao gồm các thông tin dùng để "tham chiếu" từ đối tượng điểm sang các đối tượng quản lý khác như Học sinh, Môn học, Giáo viên, Bài học, Thời khóa biểu, ... Các thông tin tham chiếu tối thiểu nhất là Học sinh và Môn học. Tuỳ thuộc vào mức độ "tổng quát" và "mở" của mô hình mà ta có thể bổ sung thêm các thông số khác cho thích hợp.

Nhóm thông tin cuối cùng là Thời gian hay "Trực tuyến", "Động" của điểm. Các thông tin này xác định thời gian mà điểm số này xuất hiện.

Việc phân loại các thông tin điểm như đã nêu trên làm cho bức tranh của mô hình dữ liệu điểm học sinh trở nên rõ ràng, sáng sủa. Người thiết kế sẽ tùy thuộc vào nhu cầu và tình hình cụ thể để xác định mô hình cụ thể của dữ liệu và phần mềm tương ứng. Có thể mô phỏng mô hình quan hệ dữ liệu điểm trong sơ đồ dưới đây:



Sau khi đã phân tích kỹ mô hình phân loại thông tin điểm thể hiện trong các hình 11 và 12 trên đây, chúng ta bây giờ có thể tương đối dễ dàng thiết kế mô hình CSDL điểm cụ thể phù hợp và thỏa mãn nhu cầu quản lý của nhà trường.

URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=41

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn