Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Phải coi công việc xếp Thời khoá biểu là một nghề
24/12/2005

“Một trong những công tác quản lý của tôi là công việc xếp Thời khoá biểu. Đối với cá nhân tôi, suốt 30 năm đảm nhiệm lĩnh vực này tôi có thể nói rằng, đây là một công việc rất khó, đòi hỏi phải có những yêu cầu nhất định, đặc biệt là xếp Thời khoá biểu bằng máy tính đòi hỏi phải có sự hiểu biết thêm về lĩnh vực Tin học”. Đó là tâm sự của thầy Nguyễn Văn Tuấn khi chúng tôi đề cập đến trách nhiệm của thầy trên cương vị là Hiệu phó với công việc cụ thể là xếp Thời khoá biểu cho nhà trường.
Việc xếp Thời khoá biểu từ trước đến nay hầu như do Ban Giám Hiệu các nhà trường phụ trách, nhưng không phải BGH nào cũng biết sử dụng Tin học để có thể xếp bằng máy mà thường những giáo viên Tin học lại không muốn làm công việc này. Vì thế, dù có thể đưa các ứng dụng Tin học vào nhà trường phục vụ công tác giảng dạy, học tập và quản lý nhưng không mấy trường áp dụng những tiện ích mà CNTT mang lại để sử dụng. Thực tế hiện nay, nhiều trường THPT ; THCS vẫn xếp Thời khoá biểu bằng tay chủ yếu dựa trên những kinh nghiệm lâu năm của người đã quen làm với mỗi phương pháp riêng. Ví dụ như: người ta thường chia thành hai bảng, một bảng ngang là để xếp lớp, một bảng dọc xếp giáo viên. Nhưng vì khi chia, họ lại tách biệt hai bảng đó để xếp Thời khoá biểu nên mắc phải vi phạm là, nếu tập trung xếp hàng ngang sẽ dẫn đến hiện tượng trùng giáo viên, nghĩa là một giáo viên sẽ phải dạy hai lớp. Ngược lại, nếu chỉ tập trung xếp hàng dọc thì có đến hai giáo viên sẽ dạy một lớp. Một giải pháp để tránh hiện tượng trùng giờ, trùng tiết hoặc trùng giáo viên là họ xếp cùng lúc hai bảng ngang và dọc với nhau.


Nếu chúng ta quan niệm rằng, việc xếp Thời khoá biểu bằng máy sẽ đáp ứng được tất cả các nhu cầu của nhà trường thì hoàn toàn sai lầm. Với kinh nghiệm 18 năm xếp Thời khoá biểu bằng tay, 12 năm xếp bằng máy, thầy Tuấn nói với chúng tôi: nếu không có kinh nghiệm làm bằng tay thì khi chuyển sang máy sẽ rất lúng túng, thậm chí không thể xếp được, vì máy tính chỉ là công cụ hỗ trợ để chúng ta giải quyết công việc nhanh hơn chứ không phải tự động xếp được toàn bộ Thời khoá biểu cho trường. Với một người đã đeo đuổi phần mềm xếp Thời khoá biểu suốt từ năm 1987 cho đến nay, trong công tác quản lý học tập học sinh, quản lý nhà trường thầy Tuấn luôn tìm những phương pháp tối ưu nhất để xếp được một Thời khoá biểu vừa đáp ứng được nhu cầu của các giáo viên lại vừa đảm bảo chất lượng giảng dạy, học tập. Thầy tâm sự: “Trước sự tranh luận về việc xếp Thời khoá biểu bằng tay hay bằng máy, tôi cho rằng đó chính là cuộc đấu tranh giữa cái mới với cái cũ và người tiên phong sẽ phải chịu rất nhiều áp lực từ nhiều phía. Điều quan trọng là họ có dám bỏ cái cũ để tiếp cận cái mới hay không, trong khi cái cũ chưa quá lạc hậu và vẫn có thể sử dụng được?”. Đầu năm 1992, thầy Nguyễn Văn Tuấn mới bắt đầu bước vào lĩnh vực Tin học, phần mềm đầu tiên thầy sử dụng là phần mềm hỗ trợ xếp Thời khoá biểu TKB­­(*). Đến nay, thầy vẫn luôn tìm hiểu, nghiên cứu những ứng dụng của nó để phục vụ cho công tác quản lý nhà trường.

Chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế, chương trình phần mềm TKB có hạn chế ở chỗ, nó chỉ giải quyết cho một người đỡ nặng nhọc nên tác động tới nhà trường không lớn. Cho nên, phần mềm xếp Thời khóa biểu không phát triển rộng trong nhà trường như các phần mềm Tuyển sinh hay phần mềm Chấm điểm. Nhưng với sự say mê và lòng tâm huyết nghề, thầy Tuấn đã không ngừng tiếp thu, học hỏi những cái mới để nâng cao phương pháp giảng dạy, chất lượng học tập trong nhà trường. Thầy nói với chúng tôi: “Người làm thầy nhất lại làm quản lý, trước hết phải có cái tâm mới có thể làm tốt công việc. Ra bất kỳ một quyết định nào cũng phải tính đến lợi ích của người khác. Ngay như việc xếp Thời khoá biểu tưởng chừng như rất đơn giản nhưng nếu anh không thực sự chuyên tâm, không coi trọng nó thì sẽ ảnh hưởng đến rất lớn đến các đồng nghiệp, đến quá trình học tập của học sinh.”

Bản thân thầy Tuấn cũng không bao giờ qúa coi trọng việc xếp Thời khoá biểu bằng máy mà phủ nhận những kết quả xếp bằng tay đem lại. Nêu ra những thuận lợi khi áp dụng các ứng dụng của Tin học cho công việc, đó mới là quan điểm của thầy. Thầy cho biết, xếp Thời khoá biểu bằng máy không chỉ cảnh báo được sự trùng giờ, trùng tiết mà còn có thể mô phỏng tư duy xếp của con người. Từ đó, chúng ta có thể đáp ứng được nguyện vọng của giáo viên, tạo cho họ có thời gian nghỉ ngơi, học tập và nâng cao nghiệp vụ cũng như có thể cải thiện cuộc sống hàng ngày.

“Hãy tâm niệm rằng, xếp Thời khoá biểu là một nghề. Người học Tin học nên được đào tạo để có thể hiểu thuật toán xếp Thời khoá biểu, sau này sẽ chuyên trách công việc này. Như vậy, nhà trường mới có điều kiện để nâng cao chất lượng trong công tác giảng dạy, học tập và quản lý”.


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=Sanpham&file=article&sid=5

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn