Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Mô hình bài học trong bộ phần mềm HỌC và DẠY Tiếng Việt
10/09/2013

Một trong những yêu cầu quan trọng nhất của dự án phần mềm hỗ trợ Học và Dạy Tiếng Việt là phải mô hình hóa được các bài học, bài giảng của môn học này.

Khi thiết kế phần mềm mô phỏng học và dạy tiếng Việt cho cấp Tiểu học, chúng tôi đã đặt ra các mục đích sau:

- Cần mô phỏng chính xác các hoạt động lõi của từng kiến thức trong chương trình dạy môn Tiếng Việt Tiểu học.


Đây là một mục đích rất lớn và khó khăn. Cái gọi là "kiến thức" của môn Tiếng Việt không giống như các môn khoa học tự nhiên khác như Toán, Khoa học, ... Trong chương trình dạy Tiếng Việt cho trẻ nhỏ việc dạy các kỹ năng cơ bản như kỹ năng phát âm, đánh vần, kỹ năng đọc, viết, nói là rất quan trọng. Các hoạt động lõi của quá trình dạy môn tiếng Việt trong nhà trường dành rất nhiều thời gian cho việc rèn luyện các kỹ năng đã nêu trên.

Có một số kỹ năng kiến thức cần được mô tả một cách chính xác tuyệt đối, ví dụ như kỹ năng viết chữ Việt. Với những dạng kiến thức đặc biệt này việc mô phỏng chính xác trên máy tính là những công việc rất đồ sộ đòi hỏi rất nhiều công sức của người thiết kế và phát triển phần mềm.

- Cần mô phỏng chính xác theo từng nội dung cụ thể của sách giáo khoa Tiếng Việt.

Với yêu cầu này, phần mềm phải có tính năng mô phỏng không những chính xác về kiến thức mà còn phải chính xác theo từng nội dung cụ thể, ví dụ các hình ảnh minh họa phải chính xác theo từng phần nội dung chi tiết của sách giáo khoa. Để làm được việc này phần mềm cần phải được thiết kế với rất rất nhiều hình ảnh minh họa. Trong chương trình tiếng Việt bậc Tiểu học, hình ảnh là một kênh thông tin quan trọng cùng với kênh chữ, do vậy việc tìm kiếm hình ảnh đưa vào phần mềm phải hết sức cẩn thận, chính xác và phù hợp với nội dung của từng bài học.

Bên cạnh kênh chữ và hình, âm thanh cũng đóng vai trò quan trọng trong các bài mô phỏng học tiếng Việt. Ví dụ toàn bộ các từ khóa, bài luyện tập đọc của sách giáo khoa đều được ghi âm đầy đủ, đây là một công việc khổng lồ của phần mềm.

- Cần có nhiều bài ôn luyện dưới dạng trắc nghiệm hoặc hỏi đáp để tăng sự hấp dẫn của bài học.

Trong chương trình tiếng Việt bậc Tiểu học có khá nhiều phần kiến thức có thể được minhy họa bằng những bài thực hành hay trắc nghiệm đơn giản, các bài luyện này cần được mô phỏng trên máy tính để trở thành các bài học, luyện, trò chơi, ... để học sinh có thể thực hành, giải trí ngay trên máy tính.

- Cần có nhiều bộ từ điển tiếng Việt khác nhau để hỗ trợ cho việc học và giảng dạy các phần kiến thức khác nhau của tiếng Việt.

Các bộ từ điển thông dụng bao gồm: từ điển học sinh, từ điển chính tả, từ điển từ láy, từ điển từ đồng nghĩa, trái nghĩa, từ điển thành ngữ, tục ngữ, từ điển tranh, ...

Tóm lại việc mô phỏng học và dạy tiếng Việt trên máy tính là một việc hết sức khó khăn và mới mẻ. Công ty Công nghệ Tin học Nhà trường đang đi tiên phong trong lĩnh vực này. Hầu hết các công việc hãy còn ở phía trước.

Trong thiết kế của chúng tôi mô hình một bài giảng (hay bài học) tiếng Việt cũng không có gì khác biệt so với một bài giảng thông thường. Trong mô hình của chúng tôi một bài giảng sẽ đơn giản là một dãy các hoạt động HỌC và DẠY như hình dưới đây.


Mỗi HOẠT ĐỘNG (ACTION) Học và Dạy có thể hiểu đơn giản là một đơn vị tối thiểu mà giáo viên đưa vào chương trình giáo an (bài giảng) của mình. Các hoạt động này có thể là:

- Ôn bài tập cũ.

- Giảng dạy một kiến thức mới.

- Trao đổi, thảo luận với HS về 1 đề tài nào đó.

- Làm hoặc chữa bài tập trên lớp.

- Thực hành theo chuyên môn của môn học.

- Kiểm tra kiến thức HS.

Trên thực tế với cùng một kiến thức cần giảng dạy, mỗi giáo viên sẽ có nhiều lựa chọn đa dạng cho việc thiết kế và hoạch định các HOẠT ĐỘNG của mình.

Thông thường mỗi HOẠT ĐỘNG giảng dạy sẽ tương ứng với một chủ đề kiến thức của sách giáo khoa mà GV cần truyền đatj cho Học sinh.

Trong mô hình bài giảng tiếng Việt của chúng tôi các hoạt động được chia làm 2 loại: Hoạt động đơn hoạt động phức hợp.

Hoạt động đơn là các hoạt động sẽ tương ứng với hoạt động học tập hay giảng dạy kiến thức cụ thể trên lớp. Mỗi hoạt động đơn được thể hiện trên màn hình thông qua một FORM tương tác. Ví dụ các hoạt động đơn là: tập đọc theo bài học của SGK, luyện đánh vần, giải thích từ mới, tập viết theo mẫu từ, luyện đọc hay, trả lời câu hỏi, luyện chính tả, ....


Hoạt động phức hợp là các hoạt động tương ứng với một dãy các hoạt động đơn. Ví dụ phần học Tập đọc theo SGK là một hoạt động phức hợp, hoạt động này thường bao gồm các hoạt động đơn như tập đọc, giải thích từ khó, trả lời câu hỏi, luyện nói, luyện chính tả, ....


Như vậy vấn đề lõi quan trọng nhất của phần mềm là sẽ phải xây dựng được mô hình các HOẠT ĐỘNG (Action) và các FORM tương tác.

FORM tương tác là một giao diện màn hình mô tả một hoạt động kiến thức nào đó của Giáo viên và Học sinh trong quá trình Dạy và Học.

HOẠT ĐỘNG (Action) là một hoạt động cụ thể được gắn với môt bài học cụ thể nào đó trong một bài học.

Sơ đồ sau mô tả quan hệ giữa FORM và ACTION trong các phần mềm mô phỏng học và dạy Tiếng Việt.


Do đặc thù của môn học tiếng Việt trong nhà trường Tiểu học, chúng tôi đã thiết kế 2 mô hình tệp bài giảng môn Tiếng Việt cấp Tiểu học như sau:

- Các tệp dạng *.htv1 tương ứng với các bài học của 103 bài học Âm vần chính trong Chương trình Tiếng Việt lớp 1, phần Học vần.

-Các tệp *.viettương ứng với một chủ điểm TUẦN của Chương trình Tiếng Việt lớp 1, phần Luyện tập tổng hợp và Chương trình Tiếng Việt các lớp 2, 3, 4, 5.


Trong các bài viết sau chúng tôi sẽ mô tả chi tiết hơn hai mô hình bài giảng này cho môn học Tiếng Việt.


Bùi Việt Hà, Công ty Công nghệ Tin học Nhà trường



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=Sanpham&file=article&sid=7279

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn